A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân mới niềm tin mới

QPTĐ-Khi nắng ấm bắt đầu xua tan cái giá lạnh của mùa Đông, thì cũng là lúc báo  hiệu  mùa Xuân đang đến. Một năm bắt đầu từ mùa Xuân và mùa Xuân là sự khởi đầu cho một chặng đường mới với nhiều ước vọng của mỗi người, mỗi nhà, của quê hương, đất nước… Năm Quý Mão đã qua đi và năm Giáp Thìn-năm con Rồng đã tới,  đem theo bao niềm tin và hy vọng về tương lai đất nước trong thế Rồng bay, về một Thành phố Thăng Long đầy khát vọng…

Hồ Gươm- biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Trước thềm năm mới, ta hãy trở lại với năm 2023 với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, cùng những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân để giành thắng lợi, qua đó vững niềm tin mới vào năm 2024 hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa trên con đường phát triển đất nước. Tháng 6/2023, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã mô tả những khó khăn, thách thức của nền kinh tế-xã hội đất nước giống như “những cơn gió ngược”.

Đó là tăng trưởng thế giới suy giảm, lạm phát ở mức cao; hậu quả Covid-19 kéo dài. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Sức chống chịu của các nước đang phát triển bị hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, nhưng sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, nhất là những vấn đề nổi lên phát sinh đột xuất, hơn thế nữa nền kinh tế của nước ta chịu tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, nay càng bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. 

Chia sẻ về những thách thức khi điều hành kinh tế của Chính phủ, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhiều diễn biến mới nặng nề hơn dự báo-Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia... 

Với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm đã đưa kinh tế nước ta vượt khó, dần lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và chính quyền địa phương tổng kết kinh tế-xã hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa được tổ chức mới đây, thì xu hướng kinh tế-xã hội năm 2023 tiếp tục được phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát với những kết quả quan trọng. 

Kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của tình hình kinh tế thế giới, trong đó kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế tăng trưởng 5,05% thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. 

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25%/ năm, thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%. Nông nghiệp tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm đạt 3%. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 8,2% dự toán, trong khi đã miễn giảm, gia hạn phí, lệ phí tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN, nợ công, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều so với hạn và ngưỡng cảnh báo. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD. Xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo trị giá gần 4,78 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%. Vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,5 tỷ USD, tăng 32%. Vốn FDI thực hiện gần 23,2 tỷ USD. Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022-2023).

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”, châu Á-Thái Bình Dương chỉ có 02 trong 62 nước được nâng hạng; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022…

Các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; tổ chức thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam; nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát triển, được quốc tế công nhận; Việt Nam lần thứ 2 là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%. 

Công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (hiện còn 2,93%). Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được khắc phục. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại... đều có những chuyển biến tích cực

Năm 2023, công tác đối ngoại của Việt Nam đã nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế; trong đó có những đối tác quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều nguyên thủ quốc gia đã thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 193 nước, trong đó có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, cũng như đã ký 16 hiệp định thương mại tự do. 

Trong 3 ngày từ 10-11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm chính thức Việt Nam. Hai nước xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược trở lên với 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự kiện gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các ngày 12-13/12. 

Hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kết quả đối ngoại năm qua “có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước”, tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ chủ đề năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn mà phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để năm 2024 kết quả cao hơn năm 2023.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đã ra Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023,  đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6-6,5%, trên tinh thần quán triệt các kết luận của Trung ương và  trên cơ sở phân tích cụ thể các thuận lợi, khó khăn và khả năng đạt được mục tiêu năm 2024. Nghị quyết  của Quốc hội cũng đã nêu 12 nhóm giải pháp để thực hiện tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ của nền kinh tế, trong đó Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023.

Đây là cơ sở hiện thực để chúng ta vững niềm tin trong năm mới 2024, có thêm nhiều thành tựu mới, khởi đầu từ mùa Xuân tràn đầy hy vọng.

HỮU LONG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ