A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo động lực đột phá phát triển kinh tế

QPTĐ-Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 xuất hiện một số điểm sáng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Hoạt động dịch vụ diễn ra sôi động, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 18,6%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 19,2%; kim ngạch nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023.

Kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng.

Khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ 2023. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do thị trường tiêu thụ ổn định. CPI  bình quân 2 tháng đầu năm 2024, tăng 3,67% so với cùng kỳ 2023; lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Công tác an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn được quan tâm đặc biệt, các cấp, các ngành đã triển khai giải pháp chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7,8 nghìn tỷ đồng và 17,7 nghìn tấn gạo.

Với những cơ sở trên, năm 2024 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước từ 6-6,5%, dựa trên các động lực tăng trưởng để điều hành và phát triển nền kinh tế. Đó là sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành Nông nghiệp vốn là một lợi thế và cột trụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp tiếp tục nỗ lực hồi phục và phát triển, cộng với sự “ấm dần lên” của thị trường quốc tế là cơ hội để công nghiệp nước ta khởi sắc. Ngành Ngoại thương được dự báo tăng trưởng sẽ hồi phục rõ nét hơn trong các tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế năm 2024. 

Tiêu dùng trong nước với các chính sách vĩ mô đã được thực hiện  như giảm thuế VAT, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua giảm phí, lệ phí… thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nỗ lực giảm giá hàng hóa-dịch vụ, các hình thức khuyến mãi mua sắm, chi tiêu du lịch trong nước… sẽ góp phần gia tăng sức mua nội địa. Sự khơi thông mạnh mẽ đầu tư tư nhân với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trên cơ sở tái cấu trúc ngành nghề, sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường đầu ra, khuyến khích đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, đem lại nguồn hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu công của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư công năm 2024, sẽ vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng. Chủ trương tiếp tục tháo gỡ các “nút thắt” về thủ tục tài chính, thúc đẩy sự hợp tác giữa bộ ngành-địa phương-các nhà đầu tư… là lời giải để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2024.

Công tác đối ngoại mà ở đây là ngoại giao kinh tế, sẽ tạo ra động lực mới. Các sự kiện quan trọng trong năm 2023, như việc nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Mỹ và giữa Việt Nam với Nhật Bản đã mở ra cơ hội mới để Việt Nam mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế quốc tế. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, tiếp tục duy trì là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, dự báo cơ hội xuất khẩu, nhất là hàng nông sản và công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam sang thị trường Mỹ, sẽ gia tăng. 

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuối năm 2023, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và điểm đến đầu tư triển vọng nhất trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Kishida Fumio đề nghị hai bên phối hợp nâng cao hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam.

Những phân tích trên đây cho thấy Việt Nam đang quyết tâm tạo động lực mới để phát triển kinh tế năm 2024.

HỮU VĂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ