A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân về trên làng nghề Kiêu Kỵ

 

QPTĐ-Một mùa Xuân mới đang về. Đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, người dân làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm rất phấn khởi khi việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đời sống vất chất, tinh thần được nâng lên. Đó chính là động lực để bà con giữ gìn, phát triển và trao truyền nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam với lịch sử hơn 400 năm tồn tại.

Nghệ nhân Lê Thế Trung giới thiệu sản phẩm dát quỳ vàng.

Nơi lưu truyền nghề quý

Những ngày giáp Tết, vừa bước chân đến đầu làng Kiêu Kỵ, chúng tôi đã cảm nhận được không khí hối hả, tất bật, rộn ràng qua âm thanh “đục, chát” từ nhịp búa đập quỳ vang lên trong những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Tiếng các bà, các chị cười nói rôm rả trong khi tay vẫn thoăn thoắt cắt những tấm vàng đã được cán mỏng đúng kích cỡ dán lên mặt giấy dó. Ở đây, từ cụ già cho đến em nhỏ, ai cũng có thể tham gia vào quá trình làm quỳ vàng, quỳ bạc.  Theo các cụ cao niên trong làng và tài liệu cổ mà Nghệ nhân dát quỳ vàng Lê Thế Trung ở thôn Kiêu Kỵ giới thiệu, nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở làng Kiêu Kỵ cách đây trên 400 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy có ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang-Hàn lâm Viện trực học sĩ. Trong một lần đi sứ bên Trung Quốc, ông học được nghề dát vàng bạc để sơn son thiếp vàng các đồ thờ cúng và hoành phi, câu đối... Khi về nước, ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ. 

Sau khi đã truyền nghề quỳ vàng bạc cho dân làng, ngày 17/8 âm lịch, Nguyễn Quý Trị bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ tới công ơn truyền nghề, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn ông là Tổ nghề quỳ vàng bạc, lấy ngày 17/8 âm lịch hằng năm làm ngày cúng giỗ Tổ nghề. Xưa kia, việc lo cúng lễ vào dịp giỗ Tổ nghề do dân của 4 chạ: Chạ Đông, chạ Nam, chạ Đoài và chạ Bắc của làng cùng thay nhau gánh vác. Nghề quỳ vàng là một nghề độc nhất vô nhị ở nước ta và lưu truyền, gìn giữ được cho đến nay có lẽ là do dân làng Kiêu Kỵ luôn giữ lời của Tổ nghề khi xưa để lại. Tại nơi cột cái của nhà Tràng cụ Nguyễn Quý Trị đã đóng lên cột một cái đinh loại răng bừa dài 15cm và thề rằng: “Không ai được truyền nghề này ra ngoài”. Sau đó nhà Tràng trở thành nơi thờ cúng Tổ nghề Nguyễn Quý Trị. Ngoài ngày giỗ Tổ nghề ra, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng. Các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi, gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng. Sau đó về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa, đập quỳ). Do đó, ngày 12 tháng Giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng. Kể từ đây, tiếng đập quỳ “đục, chát” lại vang lên đều đặn trong các gia đình.

Nghề mang lại cuộc sống ấm no

Nghệ nhân Ưu tú dát quỳ vàng Lê Thế Trung cho biết: “Trước đây, để có được một sản phẩm tượng, hoành phi hay câu đối… dát vàng, bạc hoàn chỉnh, người thợ làng Kiêu Kỵ phải trải qua gần 40 công đoạn nhưng hiện nay đổi mới chỉ còn khoảng 20 công đoạn và tất cả đều làm bằng tay”. Kỹ thuật dát quỳ vàng, quỳ bạc ở đây rất đặc biệt. Những thỏi vàng, bạc được đập dẹt, cắt thành từng hình vuông nhỏ khoảng 1cm2, độ dày chỉ vài micrô mét. Mỗi một lá vàng, lá bạc mỏng đó được đặt vào một lá quỳ có cạnh khoảng 4cm2. Lá quỳ được làm từ giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mang về đập dập sau đó được quét nhiều lần bằng một loại mực chỉ có ở làng Kiêu Kỵ (nhựa thông tươi và mùn cưa sau khi đun lên, lấy bồ hóng bếp trộn với keo da trâu tạo nên loại mực này). Mỗi một cái quỳ có khoảng 500-600 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng, bạc. Sau đó lấy vải diềm bâu Nam Định quấn lại thật chặt, đặt lên đe bằng đá, dùng búa chuyên dụng đập lên tập quỳ đó cho đến khi nào mảnh vàng dàn mỏng ra bằng lá quỳ. Khi đó cắt mảnh vàng, bạc đó ra thành 12 miếng nhỏ và tiếp tục công việc đập quỳ. Một người thợ giỏi, tay nghề cao có thể dàn mỏng một chỉ vàng thành gần 1.000 lá có diện tích 1m2, điều mà khó có công nghệ nào trên thế giới có thể làm được. Do đó, người dát vàng quỳ phải có tính cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại mới đảm bảo cho ra đời sản phẩm đẹp như ý. Nghề làm quỳ vàng, quỳ bạc Kiêu Kỵ không chỉ góp mặt ở những công trình lớn trong nước như Nhà hát lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác, chùa ở đảo Trường Sa lớn… mà những sản phẩm dát quỳ vàng bạc còn là hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Hoàn thiện sản phẩm dát quỳ vàng trên gốm sứ.

Trong những năm gần đây, nghề quỳ vàng bạc truyền thống phát triển mạnh giúp cho người dân Kiêu Kỵ có cuộc sống đủ đầy. Nghề quỳ vàng bạc thu hút nhiều lao động ở mọi lứa tuổi khác nhau và tạo công ăn việc làm tại chỗ trong những lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của dân làng. Mặt khác, người dân trong làng do biết quý trọng nghề của cha ông để lại nên động viên con cháu học lấy nghề và kế tục lâu dài nghề quỳ vàng bạc cho muôn đời về sau. Đó là tiền đề thuận lợi để nghề quỳ vàng bạc phát triển lâu dài. 

Một mùa Xuân mới lại về mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân làng nghề Kiêu Kỵ. Để giữ nghề và sản phẩm của làng nghề được tiến xa hơn nữa thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà họ cũng cần có thêm sự hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Đây sẽ là nguồn lực giúp làng nghề tiếp tục phát triển, người dân yên tâm sống với nghề của ông cha để lại, góp phần làm đẹp cho đời và cho quê hương đất nước.

Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ