Hồ Gươm-Viên ngọc bích giữa lòng Thủ đô
QPTĐ-Trong bất kỳ các điểm đến du lịch của Hà Nội, có lẽ Hồ Gươm (còn gọi là hồ Hoàn Kiếm) luôn là địa điểm ưu tiên số 1 mỗi khi khách trong và ngoài nước có dịp đến thăm Thủ đô-trái tim của Tổ quốc. Bởi Hồ Gươm không chỉ độc đáo nằm trọn trong lòng Hà Nội, nó giống như chiếc gương khổng lồ soi rọi, tỏa sáng hào khí linh thiêng của đất trời Hà Nội khắp hướng mà còn bởi nơi đây luôn khiến lòng người dịu êm nhất dù vừa phải qua những ngày bão dông.
Hồ Gươm mùa Thu.
Này nhé, một sớm mùa Thu, những chú chim chuyền nhẹ trong nắng sớm, ríu rít trò chuyện cùng nhau về những câu chuyện trong mùa, hạt sương trong vắt xuyên qua từng tia nắng ngọt mật hòa trong cơn gió se se lạnh, mặt hồ lăn tăn gợn sóng..., tô điểm cho buổi sáng trong mùa và dệt nên sự bình yên, lãng đãng đến nao lòng. Những bài thơ đi cùng năm tháng, những bức họa được lưu danh và cả những tác phẩm âm nhạc sống mãi trong lòng của mọi thế hệ người dân Việt Nam cũng ra đời từ đó.
Bạn biết đấy, không cần đi xa, chỉ cần ngồi một góc nhỏ bên Hồ Gươm, ta không chỉ thấy một bầu trời xanh biêng biếc ẩn hiện dưới mặt hồ cũng xanh màu ngọc bích mà còn ngắm trọn một góc phố thâm nâu, Tháp Bút cao vút và hàng cây cổ thụ nghiêng nghiêng... ẩn hiện dưới con sóng lăn tăn.
Mỗi mùa ở Hồ Gươm cho ta cảm giác riêng biệt nhưng với mùa Thu, Hồ Gươm đẹp đến nao lòng. Lúc này hương ngọc lan thoang thoảng bay hòa cùng hoa sữa, trên ngọn cây những chiếc lá bắt đầu chuyển màu vàng và đậu trên những lối đi ven hồ. Những con người ở mọi phương trời không hề quen biết, ở mọi lứa tuổi khác nhau nhưng đều trở lại đây, lưu giữ những khoảnh khắc thật đẹp của riêng mình ở nơi Hồ Gươm yêu dấu. Tà áo dài bay trong gió đủ khiến ai đó ngẩn ngơ.
Không chỉ bối cảnh nên thơ, Hồ Gươm đẹp và hấp dẫn bởi nơi đây có một Tháp Rùa cổ kính-biểu tượng của ngàn năm văn hiến. Công trình đặc biệt bởi tọa lạc giữa hồ và lưu giữ bao ý nghĩa lịch sử của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Song hành với nó còn có sự góp mặt của quần thể như: Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Khai Trí Tiến Đức, Khu tưởng niệm vua Lê... Cùng với đó, hồ được bao bọc bởi các con phố chính, đẹp và nổi tiếng của Hà Nội: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay...
Chính nơi đây đã ghi dấu ấn về truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa Thần vào thế kỷ thứ 15. Theo đó, trong một lần Vua Lê Lợi dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng noi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho Rùa Thần và Rùa Thần lặn xuống nước biến mất. Từ đó, hồ được lấy tên là hồ Hoàn Kiếm. Tên hồ còn được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận cho đến ngày nay. Trước đó, hồ có tên là: Hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt).
“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô/Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau/Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng/của núi sông hôm nay và mai sau/Chân ta bước lòng ung dung tự hào/Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”. Hồ Gươm-Viên ngọc bích giữa lòng Thủ đô, biểu tượng của khát khao hòa bình (trả gươm để cầm bút) của người dân đất Việt, của ý chí và sự chiến thắng. Và Hồ Gươm sẽ còn kiêu hãnh qua thời gian.
Hiền Mĩ