A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN

QPTĐ-Trải qua gần 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cộng đồng có nền kinh tế lớn trên thế giới, hợp tác an ninh chính trị, văn hóa, xã hội ngày càng sâu rộng. Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei. Đây là một quyết sách chiến lược rất đúng đắn của Đảng, mở ra cánh cửa để Việt Nam hội nhập quốc tế.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 22.

Trong suốt hành trình 29 năm tham gia ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và trên thế giới. Từ khi gia nhập khối, Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN 3 lần (các năm 1998, 2010, 2020), mỗi lần đều để lại những dấu ấn đậm nét. 

Cụ thể, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, tháng 12-1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN năm 2020. Đồng thời, để hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999), vượt qua sự khác biệt về thể chế chính trị, ASEAN đã tạo ra một thế đứng mới, cùng nhau hợp tác, cùng nhau mở rộng quan hệ với bên ngoài, trở thành một lực lượng trung tâm trong các tiến trình đa phương của khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là nước đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn trong ASEAN, như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ, năm 1995); Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997) và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, như Chương trình hành động Hà Nội, Kế hoạch hành động Viêng Chăn; Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (năm 2003); Hiến chương ASEAN (năm 2007); Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015); Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, như Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển... 

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới và khu vực thường xuyên chịu tác động của những biến động nhanh chóng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh và hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, “luật chơi”, cùng ASEAN ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển. Cùng với ASEAN, Việt Nam thúc đẩy đưa TAC trở thành bộ quy tắc chỉ đạo mối quan hệ không chỉ giữa các nước ASEAN mà cả giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực. 

Với sự đóng góp của Việt Nam, ASEAN đã bày tỏ lập trường trên các vấn đề quan trọng, như quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP, tháng 11/2019). Liên quan đến các vấn đề về Biển Đông, Việt Nam đã đóng góp tích cực để ASEAN có những bước tiến đáng kể, như việc ra Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông và hiện đang cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy triển khai đàm phán với Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)...

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thành công trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, EU, Ấn Độ; đạt nhiều kết quả trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021; đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực cho triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột (gồm Chính trị-An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC)); tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan và thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Đây là dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới, xây dựng một cộng đồng trong đó hơn 630 triệu người trong Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc vượt qua mọi sự khác biệt về chính trị, tôn giáo, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều. Kể từ khi ra đời, dù còn có sự khác biệt về tôn giáo, về trình độ phát triển, về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin... song 10 nước ASEAN đã hỗ trợ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển về mọi mặt. ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một khu vực kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 5 trên toàn cầu, với tổng GDP khoảng trên 3.000 tỷ USD. 

Dự báo, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của ASEAN “Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Những đóng góp của Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN, mà còn góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới.

Đây cũng chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, là xác định đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Trong định hướng chung đó, hợp tác với ASEAN luôn là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ