Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền
Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân
QPTĐ-Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là một luận điểm cách mạng, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một đóng góp quan trọng vào lý luận xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Luận điểm này đã chỉ rõ vấn đề bản chất nhất trong mối quan hệ giữa một đảng cộng sản cầm quyền với quần chúng nhân dân.
Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân là hai mặt thống nhất trong một vấn đề, gắn bó chặt chẽ với nhau, không hề có sự mâu thuẫn. Người cán bộ, đảng viên chỉ có thể làm tốt cả hai chức trách “vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ” thì mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Để làm được điều này, Bác chỉ rõ, mỗi đảng viên, cán bộ muốn xứng đáng là người “lãnh đạo đúng nghĩa” thì: “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”.
Là cán, bộ đảng viên chúng ta đều thấu hiểu rằng, Đảng lãnh đạo mọi công việc của Nhà nước, của xã hội trước hết bằng nghị quyết, chủ trương, đường lối. Vậy muốn có chủ trương, đường lối đúng thì đường lối đó phải lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh làm hệ quy chiếu nền tảng để xây dựng, lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc làm nguyên tắc, phải lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, đáp ứng đúng nhu cầu của cuộc sống, những nguyện vọng chân chính của nhân dân, từ đó sẽ được nhân dân tin theo và ủng hộ, có như thế “ý Đảng” mới hợp với “lòng dân”. Thực tiễn đã chứng minh, trong suốt quá trình lãnh đạo của mình, muốn thực hiện được chủ trương, đường lối đã xác định, Đảng phải học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, phải nhờ đến sức người, sức của từ nhân dân để thực hiện, phải cần nhân dân kiểm soát. Để có đường lối đúng và đường lối đó nhanh chóng đi vào cuộc sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn và đặc biệt phải hết sức gương mẫu, phải là những người dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của tập thể, vì lợi ích của dân tộc và trong đó còn vì lợi ích của người khác. Đó phải là những người luôn luôn vững vàng “đi trước” trong gian khó, để quần chúng tin tưởng “theo sau”; phải là những người thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “khổ trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ”.
Tuy nhiên, với nhãn quan chính trị sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm nhìn thấy và cảnh báo về những tiêu cực, mặt trái trong thực tiễn lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng có quyền lực chính trị, có quyền lãnh đạo đất nước, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thì cán bộ, đảng viên dù ít, dù nhiều đều có quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có chức quyền, cán bộ, đảng viên rất dễ sa vào quan liêu, tham nhũng, xa hoa, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, xa rời nhân dân, đứng trên nhân dân, ức hiếp nhân dân. Vì vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu căn dặn “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Muốn thực hiện được chủ trương, đường lối đã xác định, Đảng phải học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, phải nhờ đến sức người, sức của từ nhân dân để thực hiện, phải cần nhân dân kiểm soát. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”. Điều này được Bác cụ thể hóa bằng lối sống khiêm nhường, giản dị rất rõ nét, mặc dù uy tín rất cao, có khả năng thu hút, tập hợp quần chúng rất lớn, được toàn dân suy tôn là “Vị Cha già của dân tộc” nhưng không bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Lúc sinh thời, khi nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo và kính trọng đối với nhân dân. Cho nên, cũng dễ hiểu tại sao khi phần mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố chọn một cách “vào đề” phù hợp nhất để nói điều mà toàn dân và cả chính bản thân Người không ai muốn: “...tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Ở cuối bản Di chúc chỉ có mấy dòng thôi, Người đã dùng đến 8 từ “phục vụ”, không hề dùng một từ nào biểu đạt rằng mình là người lãnh đạo, hay đứng cao hơn mọi người. Và niềm nuối tiếc duy nhất của Người không phải vì không được sống lâu hơn như lẽ thường tình, như mục đích thụ hưởng mà “chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Như vậy, theo tư tưởng của Bác, cán bộ, đảng viên không những là người lãnh đạo quần chúng mà còn phải luôn xác định mình là đày tớ, là công bộc, là người phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên, mọi cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước. Đó là một chỉnh thể thống nhất, biện chứng, không thể tách rời trong phương pháp và phong cách làm việc của Đảng. Để thực hiện được yêu cầu này, thì người lãnh đạo phải thật sự gần dân, hiểu dân, phải ngày đêm trăn trở với lợi ích của dân, phải thật sự vì dân phục vụ, đó cũng là người đày tớ của nhân dân một cách hết sức tự nhiên, hài hòa. Lịch sử quá trình xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy tính thống nhất giữa hai vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ là một hiện thực. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đã minh chứng rất rõ luận điểm đó. Trong những thắng lợi vĩ đại này, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình đã vừa là những người hoạch định đường lối, lãnh đạo nhân dân đấu tranh một cách đúng đắn, khoa học, trí tuệ, vừa là những người trực tiếp đấu tranh hăng hái nhất, anh dũng nhất, hy sinh nhất cho lợi ích của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, thực sự vừa là “người lãnh đạo xứng đáng”, vừa là “người đày tớ trung thành” của nhân dân.
Hiện nay, trước sức cám dỗ của quyền lực, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, xa rời chức trách “người đày tớ nhân dân”. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra: “Thời gian qua, có những cán bộ, đảng viên thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào “bệnh” xa quần chúng, bàn giấy… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Đó còn là biểu hiện ở cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ, theo kiểu đóng cửa làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, không làm cho dân hiểu, dân theo, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Điều này diễn ra khá phổ biến ở cách làm việc của cán bộ khi giải quyết các vấn đề về đất đai, đền bù giải tỏa… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đó còn là thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân; thấy những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, những ý kiến đúng, nêu rõ vấn đề thì họ dìm đi, làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ dẫn đến thất bại”. Thực trạng này trực tiếp đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần chỉ dẫn của Người, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.
Nguyễn Văn Tuân