A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí cần tích cực hơn trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

QPTĐ-Sáng 23-11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam".

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã được Ban Tổ chức cung cấp một số vấn đề về thực trạng sử dụng thuốc lá, tác hại của thuốc lá và mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá ở Việt Nam; các sản phẩm thuốc lá mới, tác hại, nguy cơ gia tăng sử dụng trong giới trẻ; một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đề xuất kiến nghị; thách thức trong kiểm soát thuốc lá bằng công cụ tài chính ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về vai trò của biện pháp tài chính trong kiểm soát thuốc lá. Cụ thể, tại Hội thảo, đồng chí Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việt Nam không phải là nước phát triển nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 thế giới. Ước tính người dân cũng bỏ ra đến 49.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá. Trong khi đó, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm đến 1% GPD, con số chung trên thế giới là 1-2%. 

Đồng chí Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc.
 
Cung cấp cho báo chí, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế nhấn mạnh: Với 15,6 triệu người hút thuốc, Việt Nam nằm trong số 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc cao nhất. Mỗi năm Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả (gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).
Thông tin thêm về tác hại của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử cũng tạo nồng độ nicotine cao và phụ thuộc vào thiết kế, cách sử dụng. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh: Đã có nhiều ảnh báo về tác hại của nicotine. Trong đó, nicotine ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em và vị thành niên. Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng; nicotibe thay đổi làm ảnh hưởng xấu tới quá trình các khớp thần kinh được hình thành, các khớp này cần thiết cho bộ nhớ của não; sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ gây nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai
Thạc sĩ Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí.

Tại Hội thảo, Thạc sĩ Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Theo điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020, Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung năm 2020 chỉ giảm 0,8% so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015). Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3%, giảm 2% so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá là 1,7%, tăng so với năm 2015 là 1,1%. Đặc biệt, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%. Nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng lên 36,5 lần đối với cả 2 giới và tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần”.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định tại Hội thảo: Việt Nam đang phải đối mặt với một số quyết định quan trọng là làm thế nào để bảo vệ người dân của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là những người trẻ tuổi khỏi tác hại của thuốc lá. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá. "Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin - đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Việt Nam cần thay đổi điều này và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này”.

Trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp và trao đổi tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đề nghị và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân nhìn nhận và hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và kinh tế. Từ đó, có những hành động cụ thể, góp phần chung tay giảm thiệt hại tối thiểu do thuốc lá gây ra tại Việt Nam thời gian tới.

Thuận Nhân

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ