Tăng cường liên kết vùng Thủ đô
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 5 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, lần đầu tiên Tại một kỳ họp, Quốc hội đã xem xét quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia.
Đây là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa to lớn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, trong đó có dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã được 95,18% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với sự phát triển của Thủ đô.
Do có vị trí là trung tâm kinh tế và với vai trò là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, nên việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai của Thủ đô Hà Nội là cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của vùng Thủ đô và cả nước theo định hướng Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị (riêng Thủ đô Hà Nội) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hơn 10 năm trước, vào tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai do còn nhiều khó khăn. Đến tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đường bộ Bắc Nam và các đường bộ cao tốc khác, trong đó có đường Vành đai 4, Vành đai 5 của Thủ đô. Tiếp đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này là “Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô” và đến tháng 5/2022, tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội khóa XV xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 3
Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, chia thành 7 dự án thành phần. Vành đai 4 là đường ngoài khu vực nội đô, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận. Tuyến đường sau khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Thành phố, thúc đẩy kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển, việc đầu tư cho giao thông luôn là quan tâm hàng đầu, trong đó, quy hoạch và xây dựng hệ thống các đường vành đai các trung tâm kinh tế-chính trị được xem là nhiệm vụ ưu tiên, bởi đường vành đai không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế của một địa phương, mà còn là sự thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả một vùng, miền của mỗi quốc gia. Đường Vành đai 4 của Thủ đô sẽ có vị trí chiến lược như vậy, hứa hẹn sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho Vùng Thủ đô.
Hữu Văn