Sự lựa chọn của thế giới
QPTĐ-Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể virus Corona mới được phát hiện và đang lây lan với tốc độ vượt ngoài dự đoán. Giám đốc Chương trình khẩn cấp y tế của WHO-Mike Ryan cảnh báo, biến thể Delta có khả năng “gây tử vong cao hơn, khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người và cuối cùng nó sẽ tìm tới những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng và có khả năng tử vong”. Ngày 7/9 vừa qua, WHO đã phải đưa ra nhận định, Covid-19 có thể sẽ là “phần tất yếu” của thế giới trong bối cảnh virus Sars-CoV-2 gây ra căn bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới.
Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: Internet)
Ông Mike Ryan cho rằng, khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn virus Sars-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra nội dung “5 trụ cột” trong chương trình kiểm soát và thích nghi với Covid-19, bao gồm xét nghiệm, điều trị (tại nhà và tại viện), tiêm vaccine, duy trì dịch vụ y tế, trong đó xét nghiệm là phần quan trọng trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát Covid-19. Cách ly và điều trị các F0 triệu chứng nhẹ tại nhà là nòng cốt của giai đoạn “sống chung với Covid-19”. Chiến lược này giúp giải tỏa gánh nặng cho hệ thống y tế, tiết kiệm nguồn lực và giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện. WHO cũng cảnh báo rằng, đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân được tiêm chủng. Mục tiêu toàn cầu của WHO là tiêm phòng đủ liều cho ít nhất 40% người dân trên toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Đây là những cột mốc cần phải đạt được để khống chế đại dịch. Trong bối cảnh bình thường mới, các quốc gia vẫn có thể ghi nhận ca nhiễm cộng đồng hoặc các cụm dịch lẻ tẻ, do đó, các cơ sở y tế phải đảm bảo khôi phục dịch vụ chăm sóc một cách an toàn và tái áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Trên thế giới ngày càng có nhiều nước chấp nhận kịch bản sống chung với Covid-19. Với nguồn vaccine dồi dào, châu Âu kỳ vọng việc tiêm chủng quy mô lớn sẽ là “chìa khóa” để tái mở cửa nền kinh tế và hạn chế các ca bệnh nặng. Nước Anh đã chấm dứt mọi biện pháp chống dịch và giãn cách xã hội; Đức cho phép người đã tiêm chủng đủ được tự do di chuyển mà không cần cách ly; Italia bỏ yêu cầu mang khẩu trang ngoài trời. Các trung tâm thương mại ở Singapore được phép hoạt động trở lại, còn Israel lên kế hoạch đón khách du lịch theo các nhóm nhỏ lẻ bắt đầu từ tháng 9…
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế xây dựng văn bản Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, các địa phương tùy tình hình cụ thể, quyết định việc chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới bao gồm, y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; đảm bảo an sinh, ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu, thường xuyên. Ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; coi việc thích ứng với Covid-19 là động lực để thúc đẩy một số việc lâu nay gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cơ sở... Tiếp đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2021, Chính phủ bàn giải pháp chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới từ ngày 1/10/2021 đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch; lưu ý tới việc chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Hữu Văn