Đưa tam nông lên tầm phát triển mới
QPTĐ-Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 19-NQ/TW đã khẳng định những thành tựu to lớn sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (ban hành tháng 8/2008). Cụ thể, giai đoạn từ 2008-2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ USD; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao...Do đó, mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đòi hỏi phải tăng cường nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, Nghị quyết 19 tiếp tục đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết 19 đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu tốc độ phát triển ngành Nông nghiệp đạt bình quân 3%/năm; năng suất lao động tăng bình quân từ 5,5%-6%/năm. Tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân 10 %/ năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nghị quyết cũng nêu rõ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường... Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Giữa mùa Thu tháng Tám lịch sử, nhân dân ta vui mừng đón nhận Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2039, tầm nhìn đến năm 2045 trong một niềm tin tưởng vững chắc về tương lai phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã xác định một trong những mục tiêu hàng đầu trong đấu tranh cách mạng là “ruộng đất cho dân cày” và sau khi cách mạng thành công và trong kháng chiến, kiến quốc, chủ trương “người cày có ruộng” đã được thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 11/1953) về vấn đề ruộng đất, với quan điểm “Chỉ có thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, làm cho hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến mới hoàn toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công”. Chủ trương đó tiếp tục được Đảng ta phát triển trong thời kỳ xây dựng CNXH và đổi mới đất nước và nay là Nghị quyết 19-NQ/TW với tầm nhìn chiến lược phát triển theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, “…bởi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, Nghị quyết 19-NQ/TW sẽ đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam lên một tầm cao mới.
Hữu Văn