A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị

Bài 3: Tạo nguồn lực, không gian và động lực để phát triển Thủ đô

QPTĐ-Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển”. Để điều này trở thành hiện thực phải đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho việc quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả...

Phối cảnh đường vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Quy hoạch, phát triển đô thị chưa tương xứng

Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, công tác quy hoạch, xây dựng đã được thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt với tỷ lệ diện tích phủ kín đạt khoảng 90%. Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao, cơ bản bám sát hơn thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển. Từng bước phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài với một số dự án bắt đầu triển khai như: Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, nhất là đã triển khai một số tuyến đường sắt đô thị. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách như: Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; vành đai 2 đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng phần mặt đất; Vành đai 3 phần mặt đất đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long...
Thành phố triển khai đồng bộ chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hệ thống cây xanh đô thị được tập trung đầu tư mạnh mẽ gắn với hệ thống công viên, hồ nước, tạo thành không gian xanh đô thị. Các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từng bước được xử lý...
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, kết cấu hạ tầng, quản lý đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế như Nghị quyết số 15-NQ/TW đã chỉ rõ: “Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch”.

Hướng đến đô thị thông minh, hiện đại

Với quan điểm, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong vấn đề quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý đô thị. Cụ thể hóa Nghị quyết, Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra.
Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai (đầu tư khép kín 07 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại.
Đối với phát triển đô thị, Thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.
Hà Nội cũng sẽ quyết liệt triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D, hư hỏng, xuống cấp, hết niên hạn và một số khu chung cư được lựa chọn để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa.
Cùng với đó, Thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch; từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức quản lý quy hoạch; kiểm soát năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng, kiến trúc; ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác quy hoạch, thông tin quy hoạch và quản lý quy hoạch; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, công khai quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm trong tổ chức lập quy hoạch và triển khai xây dựng theo quy hoạch.
Đặc biệt, Thành phố tập trung quyết liệt triển khai các nhiệm vụ xây dựng đường Vành đai 4, hoàn thành trước năm 2027. Trước hết là tập trung thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, khâu mở đầu quan trọng nhất, quyết tâm phấn đấu đến tháng 6-2023 hoàn thành 70% công việc và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12-2023 để kịp khởi công dự án vào tháng 6-2024.

ĐỨC MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ