Thổi hồn cho đất
QPTĐ-Cơn gió Đông nhẹ lay từng phiến lá trước hiên nhà, những vết chai trên đôi bàn tay lấm bùn của Nghệ nhân già, khiến tôi hình dung thước đo thời gian và một đời đam mê với nghề của những người thợ làng gốm. Phải chăng, chính điều đó đã làm nên sự thăng hoa của cái nghề mà các cụ truyền rằng “từ cổ chí kim, ngàn năm có một”...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình, một đời đam mê với nghề điêu khắc gốm.
Cội nguồn của gốm
Xa xưa, Bát Tràng là mảnh đất tụ cư của nhiều dòng họ tới từ Vĩnh Ninh (Thanh Hóa), nơi từng sản xuất loại gạch xây thành nổi tiếng trong lịch sử. Thời gian sau, 5 dòng họ làng Bồ Bát (Ninh Bình) gồm họ Lê, Phạm, Trần, Vượng, Nguyễn thấy đất có vượng khí nên cũng đưa gia quyến đến vùng này lập thành phường sản xuất gốm. Vì vùng này có đất sét trắng nên còn có tên gọi khác là Bạch Thổ phường. Nghề gốm phát triển kéo theo nhiều gia đình ở Bồ Bát tiếp tục đến lập nghiệp, đông nhất là vào thời Lê Trung Hưng. Tiếng tăm của Bát Tràng được truyền tụng qua nhiều thế hệ và đã đi vào tâm thức của người Việt:
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông
Nói như Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình, nghề làm gốm đã ăn vào máu, truyền từ cha sang con, từ người nọ sang người kia. Đã là người Bát Tràng ai cũng biết làm nghề, chẳng có sách vở nào dạy, chỉ bằng sự nhạy cảm, tinh tế của năng lực thẩm mỹ và sự khéo léo điêu luyện của đôi tay. Giỏi hay không lại ở sự lao tâm khổ tứ với nghề của mỗi người mà thành. Với ông cũng vậy. Quả thực, không giống nghề khác, làm gốm theo từng công đoạn, mỗi người “tinh” một việc.
Thợ chuốt, đa số là phụ nữ; thợ đun lò thường là cánh nam nhi không chỉ khỏe, mà phải khéo khi đun, lửa “tưới” đều trên sản phẩm, đến khi ánh sáng trắng thì mới lấp cửa lò; đun quá lửa, sản phẩm giòn, dễ vỡ, hoặc bị rạn. Nhưng đã là chủ lò, phải tinh thông tất cả, từ khâu luyện đất sao cho dẻo, đến tạo hình (chuốt, nặn, đổ khuôn), sửa, tiện, vẽ, nhúng men và cuối cùng là đưa vào lò, để có thể dạy thợ. Mà ở làng gốm đây, thợ giỏi nghề có nhiều lắm. Thế nên nghề làm gốm mang tính cộng đồng, người này làm hỏng, người khác hỗ trợ sửa sang lại. Điều này lý giải vì sao từ vài dòng họ cách đây nghìn năm, nay Bát Tràng có hơn hai mươi dòng họ, cả làng, cả vùng biết nghề. Buôn có bạn, bán có phường, không khi nào Bát Tràng ngơi cái không khí kẻ mua, người bán tấp nập… Có thể nói, Bát Tràng là một trong những kho lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể nhất của Hà Nội và của cả dân tộc. Là làng nghề có bề dày lịch sử, nhiều đời kế tiếp chuyên sản xuất các sản phẩm gốm độc đáo ghi đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Lại nói đến Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình, ở ông dường như cái chất phiêu của người nghệ sĩ dân gian vẫn còn thấm đẫm trong lối chuyện trò hào sảng, không câu nệ. Hơn nửa đời người gắn bó với gốm, người nghệ nhân mới “dám” nhận rằng mình đã “già nghề”. Những tác phẩm của ông hiện diện nhiều nơi như đôi rồng bằng gốm sứ lớn nhất Việt Nam đặt ở Hồ Tây, hai ông hộ pháp ở đình làng Bát Tràng, bức tượng chân dung vị vua Hàn Quốc Sejong, hay bức tượng Chopin bằng đá xanh tại Vườn Cam, Hà Nội… đều được đánh giá có tính nghệ thuật cao.
Mỗi khi nói về điêu khắc, từ ánh mắt, nụ cười đến lời nói, hành động đều lộ rõ bầu nhiệt huyết của một người cả đời tận tâm với nghề, trái lại, đề cập đến những thành quả của mình thì ông lại kiệm lời bấy nhiêu. Với người nghệ sĩ, có lẽ điêu khắc là niềm đam mê trên hết, có thể sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, chẳng có gì có giá trị cao quý và trường tồn bằng những tác phẩm để đời. Đó cũng là cái cách mà họ chứng tỏ sự tồn tại của mình. Còn các giải thưởng chỉ là những giá trị cộng thêm từ những tác phẩm đó mà thôi.
Đôi bàn tay làm nên tinh hoa
Đằng sau những họa tiết uyển chuyển trên gốm sứ Bát Tràng, ít ai biết vẻ đẹp sinh động ấy cũng thấm đẫm mồ hôi của những người trẻ. Ngày nay, nhiều em nhỏ vào những xưởng chế tác gốm để được truyền nghề, giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt đầy hoài bão và hy vọng. Triền đê tả Hồng uốn mình chắp cánh cho biết bao giấc mơ nghệ nhân trẻ say sưa tiếp nối nghề của cha ông, muốn đưa gốm quê hương đi khắp mọi nẻo đường đất nước.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Duy, gương mặt mới của “làng nghệ nhân Bát Tràng”. Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên năm ấy cố gắng bon chen giữa đất Hà Thành, tìm kiếm một công việc “tốt” với thu nhập thật cao để cuộc sống tốt đẹp hơn. “Bản thân tôi lúc ấy cũng chưa tường tận “cuộc sống tốt đẹp hơn” là thế nào, phải làm sao để có cuộc sống đó. Tất cả đều mờ mịt như sương khói phía bên kia triền đê. Mặc dù cũng có những thành tựu nhất định sau vài năm tuổi trẻ miệt mài phấn đấu giữa đất Hà Nội lắm nhân tài. Nhưng, ham muốn tự do khiến tôi quyết định rẽ ngang, nhìn lại thứ mình thực sự thích”, Duy bồi hồi.
Thế giới trong triền đê năm ấy mang trong mình những bí ẩn, thôi thúc anh tìm về ước mơ thuở bé. Trong niềm tự hào không giấu diếm, Duy “khoe” với chúng tôi thứ “bí thuật” giúp anh gặt hái được danh hiệu nghệ nhân. Ấy chính là dung dịch men gốm. Từ xa xưa, gốm Bát Tràng thể hiện được bản sắc riêng so với các loại gốm khác bởi dáng vẻ thoáng đãng, men màu tự nhiên, phóng khoáng, tạo được độ trong và sâu. Với nghệ nhân gốm, men là bí quyết! Nó là loại độc đáo chỉ có duy nhất ở Bát Tràng. Khó hơn là ông cha ta xưa chỉ dựa vào kinh nghiệm mà pha chế chứ không ghi ra thành công thức. Vì vậy mà gốm Bát Tràng lại có nhiều dòng men đặc trưng, thể hiện qua mỗi thời kỳ khác nhau, tạo nên những sản phẩm khác biệt. Khởi đầu là men lam với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen sẫm. Men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống. Men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, men này mỏng, mầu vàng ngà, bóng thích hợp với các trang trí tỉ mỉ. Men xanh rêu được kết hợp với men trắng ngà và nâu, tạo ra một dòng rất riêng. Còn men rạn là dòng chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỷ 16…
Phối cảnh Bảo tàng Bát Tràng.
Đến bây giờ, mỗi nghệ nhân của mảnh đất này lại có một công thức “chế biến” men của riêng mình. Duy cho chúng tôi thưởng lãm đôi lộc bình làm nên thương hiệu, với màu men rạn đặc trưng mà sáng bóng, trong vắt đầy mê hoặc. Ẩn trong thứ màu sắc lóng lánh ấy, người ta thấy trọn vẹn hơn từng giọt mồ hôi, từng mặn mòi công sức của người thợ nghề. Ai bảo gốm không có linh hồn. Từ lắng đượm bùn đất phù sa, gốm trở thành tinh hoa từ bàn tay của con người. Không chỉ bó gọn trong khuôn khổ hàng hóa, gốm là một sản phẩm của văn hóa.
Những người nghệ nhân Bát Tràng ví mình giống như chiếc bình gốm cổ, rồi sẽ có lúc bị xếp gọn vào một góc phòng, bị thời gian bao phủ. Nhưng tôi biết, ông Bình, Duy hay bất cứ ai làm nghề trên đất này, họ chính là linh hồn của gốm, là linh hồn của Bát Tràng. Họ như bao thế hệ nghệ nhân của làng đã, đang và sẽ tiếp tục truyền cho lớp cháu con nghị lực và sức mạnh để đưa tiếng tăm của gốm vươn xa hơn…
Ý Nhi