Nga-Mỹ-Trung Quốc: Cuộc đua siêu vũ khí?
QPTĐ-Thế giới bất ổn bởi các cuộc xung đột và chạy đua vũ trang. Gần đây, cuộc chiến giữa các nước công nghiệp phát triển và các cường quốc lại nóng bỏng trong cuộc đua phát triển vũ khí mới, trong đó có vũ khí siêu thanh và vũ khí hạt nhân.
Hiện, Nga và Trung Quốc-hai cường quốc quân sự, trong thời gian ngắn đã thành công trong việc đưa vào biên chế quân đội tên lửa siêu thanh, trong khi Mỹ vẫn còn loay hoay ở giai đoạn thử nghiệm loại tên lửa này? Giới chức quân sự Mỹ đã thừa nhận điều này sau khi Lầu Năm Góc trình Quốc hội dự luật chi hàng ngàn tỉ USD đầu tư cho chương trình phát triển vũ khí khủng đến năm 2030.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo, đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) và tên lửa siêu thanh trang bị cho tàu khu trục lớp Zumwalt. “Chương trình LRHW được thực hiện có tầm bắn tối đa lên tới 2.775 km và bay với tốc độ Mach-10”-Lầu Năm Góc cho hay.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, chương trình LRHW sẽ tạo ra tên lửa siêu thanh trên mặt đất lắp trên khung gầm xe bánh lốp, tương tự như tổ hợp tên lửa phòng không Patriot. Xe chiến đấu sẽ có hai container vận chuyển-phóng cùng tên lửa AUR mang phần chiến đấu C-HGB. Sau khi phóng, tốc độ của tên lửa đạt Mach-8 cho đến Mach-10, cự ly bay đạt gần 3.000 km. Với tốc độ này (thử nghiệm), LRHW được cho là bay nhanh hơn và xa hơn nhiều so với 2 loại tên lửa siêu thanh của Nga: Zircon, Kinzhal.
Sau đó, Mỹ sẽ có thêm phiên bản mới trang bị vũ khí siêu thanh loại này cho các tàu mặt nước, tàu ngầm, mang tên CPS-Đòn tấn công nhanh quy ước. Hải quân Mỹ sẽ nhận vũ khí siêu thanh trước năm 2028. Trước mắt, tổ hợp này được trang bị cho các phiên bản hiện đại hóa mới nhất của lớp tàu ngầm đa năng Virginia.
Trong một thông tin khác của Bộ Hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Zumwalt đang được thử nghiệm trang bị vũ khí siêu thanh, biến các con tàu này thành những bệ phóng di động tàng hình. “Nếu mục tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của chúng tôi trong lĩnh vực siêu âm là đủ khả năng trang bị cho các thiết bị loại này vào năm 2025 cho các tàu mặt nước và sau đó là trên tàu ngầm”.
Theo đó, tên lửa siêu thanh mới có thể đạt tốc độ Mach-17 (gấp 2 lần tên lửa siêu thanh Zircon trên chiến hạm và tàu ngầm Nga, tốc độ Mach-9 ). Thành công này được xem là bất ngờ bởi ban đầu, các nhà thiết kể chỉ kỳ vọng tên lửa đạt Mach-5. Khi bay với tốc độ siêu thanh, khả năng cơ động giúp tên lửa trở nên đặc biệt nguy hiểm, trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện đại không được thiết kế để chống lại mối đe dọa loại này.
Với thành công trong chương trình phát triển vũ khí siêu thanh, Mỹ trở thành đối thủ đáng gườm của Nga và Trung Quốc trong cuộc chiến siêu vũ khí. Và mục tiêu đưa các loại vũ khí siêu cận âm vào biên chế của Lầu Năm Góc không phải chờ đợi đến năm 2025, rất có thể là năm 2023?
Giới chuyên gia quân sự thế giới nhận định, Trung Quốc dẫn đầu về nghiên cứu phát triển tên lửa siêu thanh cho tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-26. Nhưng, thực chất, Nga mới là quốc gia thành công nhất trong việc phát triển, đưa vũ khí siêu thanh vào biên chế quân đội. Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Nga V.Putin đã nói đến sự xuất hiện 2 loại vũ khí khủng, đó là tên lửa siêu thanh Zircon và thiết bị lặn không người lái Poseidon.
Theo đó, Zircon đạt tốc độ siêu âm Mach-9 (gấp 9 lần tốc độ âm thanh), trang bị cho hải quân, có thể bắn trúng các mục tiêu trên biển và mặt đất, khoảng cách hơn 1.000 km. Với vận tốc lớn cận âm, Zircon không thể bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn.
Poseidon là tàu ngầm không người lái nguyên tử đặc biệt, có khả năng hoạt động ở độ sâu lớn, có ưu điểm về khả năng chiến đấu so với tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay. Loại tàu này có phạm vi hoạt động tương đương tầm bao phủ của tên lửa liên lục địa, có thể mang tên lửa thông thường và đầu đạn hạt nhân, dễ dàng đánh trúng nhiều mục tiêu cùng lúc. Poseidon có khả năng tàng hình, di chuyển nhanh, ít phát ra tiếng ồn nên khó bị phát hiện hoặc bị vô hiệu hóa.
Với những đặc tính ưu việt về siêu cận âm, Zircon và Poseidon là biện pháp răn đe mới của Nga, khiến những cái đầu nóng phương Tây phải dè chừng, cho phép Moskva bảo đảm vị thế và nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Trong những tháng đầu năm 2021, Nga tiếp tục đưa vào biên chế nhiều loại vũ khí mới, tốc độ siêu thanh, có sức mạnh khủng khiếp khiến phương Tây lo ngại.
Tên lửa chiến lược RS-24 Yars, liên lục địa có thể khai hỏa từ bệ phóng di động hoặc hầm ngầm với đa đầu đạn phân hướng (MIRV), trang bị 3-6 đầu đạn, có thể tấn công các mục tiêu khác nhau, cách xa 12.000 km, khả năng cơ động cao, không thể đánh chặn. Muốn vô hiệu hóa 1 tên lửa RS-24, Mỹ phải phóng 50 tên lửa đánh chặn Asgis. Và không hệ thống phòng không nào có đủ sức đánh chặn nếu Nga phóng cùng lúc nhiều tên lửa RS-24.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat (Satan-2) có trọng lượng 105 tấn, mang theo phần chiến đấu 10 tấn, cùng lúc với 10 đầu đạn hạt nhân nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn, có thể tấn công chính xác nhiều mục tiêu cùng một lúc, tầm bắn 17.000 km theo phương thức vòng qua hai cực của Trái đất, mang vũ khí siêu thanh Avangard, Mach-27. Sarmat không thể bị đánh chặn, có thể hủy diệt cả Anh lẫn xứ Wales hoặc một diện tích bằng nước Pháp, bang Texas Mỹ?
Tuần qua, Quân đội Nga đưa vào trang bị tàu ngầm hiện đại Kazan mang tên lửa siêu thanh phiên bản mới Kalibr-M tầm bắn 4.000 km. Ngoài ra, hệ thống phòng không hiện đại S-400, S-350V, S-500 mang tên lửa siêu thanh đang là sát thủ đối với các thiết bị bay, tên lửa đạn đạo của đối phương.
Phát triển siêu vũ khí không chỉ là đòn răn đe với đối phương của Mỹ, Nga, Trung Quốc mà thị trường vũ khí thế giới cũng sôi động hơn. Trong nhiều năm, Mỹ luôn dẫn đầu với khoảng 33-35% thị phần, Nga: 25-29%, Trung Quốc: 7-10%. Gần đây, Trung Quốc có xu hướng tăng lên. Nga xuất khẩu vũ khí (tính bằng USD) 6,4 tỉ (năm 2019), 10 tỉ (năm 2020) dự kiến 13,5-13,7 tỉ (năm 2021) trong khi Mỹ: 10,5 tỉ (năm 2020), dự kiến 15-20 tỉ (năm 2021).
NHẬT MINH