Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ J.Biden
QPTĐ-Tổng thống Mỹ J.Biden rời Nhà Trắng, có chuyến công du một tuần lễ đến châu Âu (từ 10-16/6) với một loạt sự kiện: Thăm đồng minh Anh quốc, dự Hội nghị thượng đỉnh G7, dự Hội nghị cấp cao NATO và EU, gặp song phương Tổng thống Nga V.Putin. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông J.Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ kể từ khi nhậm chức (20/1 năm nay) nhằm chuyển đi thông điệp “Nước Mỹ trở lại”, thay vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” dưới thời người tiền nhiệm D.Trump không mấy được các quốc gia châu Âu chào đón.
Tổng thống J.Biden phát biểu trong lễ nhậm chức tại Nhà trắng. (Ảnh: Internet)
Bên thềm Hội nghị G7 do Anh đăng cai, Tổng thống J.Biden có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh B.Johnson (10/6). Ông J.Biden và phu nhân được Thủ tướng nước chủ nhà và Nữ hoàng Anh Elizabeth II đón tiếp trọng thị, nồng nhiệt, thể hiện mối quan hệ đồng minh toàn diện về kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh Anh-Mỹ. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau Brexit, Anh không còn là thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới- G7, diễn ra tại Cornwall, Anh (11-13/6) có sự tham dự của Tổng thống, Thủ tướng 7 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản đã có tiếng nói chung trong một tuyên bố chiến lược nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 toàn cầu trước tháng 12/2022. Tuyên bố chung nêu rõ: G7 cam kết cung cấp ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 để tiêm chủng cho khoảng 80% dân số trưởng thành của thế giới trong năm nay và năm 2022. Trong đó, Mỹ cấp 500 triệu liều vắc-xin Pfizer (200 triệu liều năm 2021, 300 triệu liều vào đầu năm 2022) để phân phối thông qua Chương trình COVAX của Liên hợp quốc cho 92 quốc gia thu nhập thấp, trung bình toàn cầu và Liên minh châu Phi. Tháng 6 và 7/2021, Mỹ hỗ trợ 80 triệu liều vắc-xin, trong đó 75% thông qua Chương trình COVAX của WHO và 25% còn lại sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nước. Khối EU cam kết cung cấp ít nhất 700 triệu liều vắc-xin.
G7 cam kết dỡ bỏ các hạn chế thương mại không cần thiết đối với hoạt động xuất khẩu vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất, hoàn thiện giai đoạn cuối vắc-xin. Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng.
Tuyên bố chung của G7 kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mở rộng điều tra nguồn gốc Covid-19-một vấn đề khá tế nhị, như Mỹ đã nhiều lần đề nghị, có thể khiến mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc căng thẳng. G7 cũng đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng thế giới, cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc.
Là nước chủ nhà, Chủ tịch luân phiên G7, Thủ tướng Anh B.Johnson tuyên bố: “Tôi kêu gọi các lãnh đạo G7 cùng với chúng tôi chấm dứt đại dịch khủng khiếp Covid-19 và không bao giờ để đại dịch như vậy xảy ra một lần nữa. Tiêm chủng cho toàn thế giới vào trước cuối năm tới sẽ là một kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử y tế thế giới”.
Trước đó, 100 cựu quan chức (Tổng thống, Thủ tướng, Ngoại trưởng) các nước đã gửi thư kêu gọi các nước G7, G20 nên cam kết chi khoảng 30 tỉ USD/năm trong 2 năm tới để ứng phó với đại dịch Covid-19 với mục đích, các nước giàu chia sẻ vắc-xin với các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Bên lề Hội nghị G7, lãnh đạo các nước có những cuộc gặp gỡ song phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, trong đó Thủ thướng Nhật Bản Y.Suga đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Anh B.Johnson về thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước. Lãnh đạo nhiều nước lên tiếng ủng hộ, hoan nghênh Tuyên bố chung G7 về chia sẻ vắc-xin toàn cầu. Nga lên tiếng, có thể sản xuất 30 triệu liều vắc-xin Covid-19 mỗi tháng và có thể cung cấp cho các nước. Trung Quốc cho biết, có thể xuất khẩu 300 triệu liều vắc-xin. Tuy nhiên, có thể do động cơ chính trị, Mỹ và phương Tây không quan tâm đến thiện chí này của Moskva và Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ đến Vương quốc Bỉ, dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại trụ sở của khối này ở Brussels (14/5) và Hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sáng ngày 15/6.
Theo Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO, tập trung thảo luận, phê duyệt “Sáng kiến NATO-2030” với tầm nhìn một thập kỷ, nhằm thay thế chiến lược đến năm 2010 của khối này, được coi là đã quá lạc hậu. NATO hết sức quan tâm đến việc phát triển binh lực, vũ khí hiện đại của các quốc gia nội khối, đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga, Trung Quốc và sự hợp tác Nga-Trung đe dọa an ninh NATO?
Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo EU đã thẳng thắn trao đổi về giải quyết tranh chấp thương mại, thuế quan đối với các sản phẩm nhôm, thép; vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing kéo dài nhiều năm qua. Vấn đề hộ chiếu du lịch vắc-xin; liên minh công nghệ số Âu-Mỹ cũng được bàn đến. Giới ngoại giao cho rằng, chuyến công du của ông J.Biden đến châu Âu lần này, thành công nhất là lấy lại hình ảnh “Nước Mỹ trở lại”, quan hệ đa phương, đa chiều với các đồng minh và đối tác, sửa lại hình ảnh một nước Mỹ đơn phương dưới thời Tổng thống D.Trump.
Một nội dung hết sức quan trọng trong chuyến đi lần này của Tổng thống Mỹ J.Biden, đó là cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên với Tổng thống Nga V.Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16/6. Mối quan hệ Nga-Mỹ xấu đi nghiêm trọng từ năm 2014 sau sự kiện Crimea, Ukraine kéo theo các lệnh cấm vận, tập trận quân sự, tuyên chiến miệng giữa hai bên. Ông J.Biden áp một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời mang đến Geneva các chất vấn Tổng thống V.Putin về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ, tấn công mạng Mỹ? Vấn đề nhân quyền ở Nga...
Tổng thống V.Putin tuyên bố, sẽ thẳng thắn đưa lên bàn đàm phán tất cả những vấn đề Nga và Mỹ quan tâm. Do có những bất đồng quá lớn, thế giới không kỳ vọng sẽ có đột biến cho hội nghị cấp cao Nga-Mỹ kỳ này.
NHẬT KIỀU