A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thỏa thuận hợp tác kinh tế-Tan băng căng thẳng Nga-Mỹ? 

QPTĐ-Tuần qua, thế giới bất ngờ đón nhận loạt thông tin mới có xu hướng tích cực trong quan hệ Nga và Mỹ, từ cuộc điện đàm giữa hai vị Tổng thống và cuộc đàm phán cấp cao song phương đến việc hai nước đồng thuận thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo. Những động thái hợp tác ban đầu của các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cho thấy, có thể là dấu hiệu tan băng căng thẳng kéo dài hàng thập niên qua giữa hai cường quốc.

Cuộc họp ngày 24/2 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ảnh: AP

Trả lời phóng viên truyền hình Russia-1 (ngày 24/2), Tổng thống Nga V.Putin cho biết: Nga là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về trữ lượng khoáng sản đất hiếm và sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các công ty tư nhân và Chính phủ Mỹ, để phát triển trữ lượng của mình. “Chúng tôi sẽ sẵn sàng đề nghị này với các đối tác Mỹ nếu họ quan tâm đến việc hợp tác” xuất, nhập khẩu đất hiếm, nhôm-Ông chủ Điện Kremlin khẳng định và cho biết thêm: Thỏa thuận đất hiếm mà chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump đang thúc đẩy với Ukraine “không liên quan đến Moskva”.

Được biết, đất hiếm rất quý, có giá trị cao như dầu mỏ, khí đốt-“vàng đen” bao gồm titan, than chì, graphite, uranium, lithium; là thành phần chính phát triển công nghiệp quân sự, công nghệ cao, pin xe điện, tụ điện, điện thoại.

Tại Diễn đàn Công nghệ tương lai (Moskva, 21/2), Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, các công ty Nga nên hợp tác với tỉ phú công nghệ Mỹ E.Musk sau khi ông này hoàn thành vai trò cải cách chính phủ Mỹ và quay trở lại hoạt động nghiên cứu khoa học. “Các bạn nên hợp tác với ông ấy. Chúng ta đã đồng thuận trong lĩnh vực không gian thì có thể bắt tay cùng nhau trong lĩnh vực khác nữa”. Ông E.Musk là Cố vấn cấp cao của Tổng thống D.Trump, hỗ trợ các nỗ lực cắt giảm chi tiêu liên bang.

Cũng tại Diễn đàn này, Tổng thống V.Putin chỉ đạo: “Chúng ta có thể điều chỉnh phù hợp sự trở lại thị trường của những công ty quay trở lại”, nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn công ty phương Tây hạn chế hoạt động ở Nga, né lệnh cấm vận, nay muốn tiếp tục công việc kinh doanh. Theo Giám đốc RDIF Nga K.Dmitriev, mấy năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã mất hơn 300 tỉ USD do xa rời thị trường Nga.

Trước đó, tại Riyadh (Arab Saudi, 18/2) diễn ra cuộc đàm phán cấp cao Nga-Mỹ do Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và người đồng cấp Mỹ M.Rubio dẫn đầu. Ngày 28/2, tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã diễn ra cuộc gặp ngoại giao cấp cao lần 2 Nga-Mỹ.

Sau đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố báo chí: Chấm dứt xung đột Ukraine có thể mở khóa liên minh kinh tế lịch sử giữa hai nước. Điều này liên quan đến các cơ hội hợp tác đáng tin cậy với Nga trên phương diện địa chính trị trong các vấn đề có lợi ích chung và cả về mặt kinh tế. Một mối quan hệ như vậy sẽ có lợi cho thế giới, đồng thời củng cố quan hệ giữa Nga và Mỹ về lâu dài.

Đồng quan điểm với nhà ngoại giao Mỹ, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga K.Dmitriev (chuyên gia kinh tế, tháp tùng Ngoại trưởng Nga đến Riyadh) cho rằng, Nga và Mỹ nên sớm thu hẹp khác biệt, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, bao gồm các các dự án ở Bắc Cực. Đây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, năng lượng và có tiềm năng trở thành tuyến vận chuyển quan trọng mới của thế giới.

Tại Trụ sở Liên hợp quốc (24/2, tròn 3 năm ngày nổ ra cuộc xung đột Ukraine, 2022-2025), Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức các cuộc họp, thảo luận, bỏ phiếu về các nghị quyết liên quan đến sự kiện chấn động châu Âu này.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (15 thành viên) thông qua nghị quyết do Mỹ dự thảo, có chỉnh sửa của Nga với 10 phiếu thuận, 5 phiếu trắng (Anh, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Slovakia), không có phiếu chống về xung đột Nga-Ukraine. Nghị quyết bày tỏ sự tiếc thương với những tổn thất về con người trong cuộc xung đột, đồng thời nhắc lại mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Nghị quyết không chỉ trích Nga và cũng không đề cập đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Đây là trường hợp hiếm hoi, khi Mỹ đứng cùng phe với Nga về vấn đề Ukraine.

 Cùng ngày 24/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bỏ phiếu một nghị quyết do Ukraine và châu Âu soạn thảo, có nội dung “yêu cầu Nga rút hết quân ngay lập tức, vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận” với 93 phiếu thuận, 73 phiếu trắng, 8 phiếu chống. Nga bỏ phiếu chống, Mỹ bỏ phiếu trắng, Ukraine bỏ phiếu thuận. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc pháp lý.

Theo Đặc phái viên Ukraine của Mỹ K.Kollgg, nguyên nhân gây ra xung đột Ukraine không nên chỉ đổ lỗi cho Nga. Khối quân sự NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã từng hứa hẹn, cam kết sẽ kết nạp Ukraine vào NATO, EU; đó là động lực thúc đẩy chính quyền Kiev thực thi chính sách “bài Nga, thân phương Tây”, thậm chí đưa mục tiêu “gia nhập NATO, EU” vào Hiến pháp Ukraine.

Sau hơn một tháng tái xuất Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine, có những động thái khác biệt so với người tiền nhiệm J.Biden, gây phản ứng trái chiều đối với các đồng minh NATO, EU.

Tuần qua, Ông chủ Nhà Trắng cử Đặc phái viên K.Kollgg, tiếp sau là Bộ trưởng Tài chính S.Bessent đến Kiev (23/2), gặp Tổng thống V.Zelensky thông báo về kế hoạch hòa bình của Mỹ, đồng thời kết nối với chính quyền Kiev, sớm ký văn bản chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Mỹ trị giá 500 tỉ USD. Nếu tiếp tục từ chối, Ukraine “sẽ gặp nhiều rắc rối”. Tuy nhiên, Kiev bác bỏ yêu sách của Nhà Trắng.

Theo Tổng thống V.Zelensky, trong 3 năm xung đột vừa qua, Kiev đã chi ra 120 tỉ USD, châu Âu và các tổ chức 100 tỉ USD; Mỹ chỉ có 100 tỉ USD, chứ không phải 300-350 tỉ hay 500 tỉ USD, như các quan chức Mỹ tuyên bố. “Chúng tôi được các nước viện trợ để thay mặt NATO chiến đấu, bảo vệ an ninh cho châu Âu, chứ không phải vay nợ”-Tổng thống Ukraine nói.

Là đồng minh của Kiev, Tổng thống Ba Lan A.Duda (22/2) đến Mỹ dự Hội nghị CPAC, gặp Tổng thống Mỹ D.Trump, nhằm tháo gỡ khó khăn cho Ukraine; tiếp đến là Tổng thống Pháp E.Macron (24/2), Thủ tướng Anh K.R.Stamer (27/2) và Tổng thống Ukraine V.Zelensky(28/2) lần lượt có mặt ở Nhà Trắng.

Tại Kiev (ngày 24/2), phái đoàn EU có mặt 13 nhà lãnh đạo EU và các nước cùng 24 nhà lãnh đạo khác họp trực tuyến, tuyên bố ủng hộ Ukraine, cam kết các gói viện trợ năm 2025. EU công bố gói trừng phạt thứ 16 nhằm vào Nga và đề xuất kế hoạch, EU, NATO cử binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine nhưng Lầu Năm Góc không đồng thuận. “Bảo vệ an ninh cho châu Âu do các nước tự đảm bảo”-Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P.Hegseth tuyên bố.

HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội