Hội nghị G-7 và Bộ tứ Đại Tây Dương?
QPTĐ-Tuần qua, Tổng thống Mỹ J.Biden khởi động chính sách “Nước Mỹ trở lại”, đề cao vai trò lãnh đạo của Washington trên trường quốc tế thông qua các hội nghị Ngoại trưởng “Bộ tứ Kim cương” (18/2), Hội nghị Cấp cao G-7, Hội nghị An ninh Munich (19/2) và Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU, ngày 22/2).
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham gia họp trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: Internet)
Hội nghị trực tuyến Ngoại trưởng 4 nước “Bộ tứ Kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia diễn ra ngày 18/2 nhằm “thúc đẩy các mục tiêu chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở; đồng thời, vượt lên khỏi những thách thức thời đại của chúng ta”-Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ N.Price phát biểu với báo chí.
Chính phủ Mỹ dưới thời tân Tổng thống J.Biden coi mối quan hệ đồng minh “Bộ tứ” này là lực lượng then chốt đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng quyết đoán trong khu vực.
Ngoại trưởng Nhật T.Motegi cho biết: Bốn vị Ngoại trưởng đã thảo luận hàng loạt vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề Triều Tiên, Myanmar, đại dịch Covid-19 và tình hình căng thẳng trên biển Đông. “Các Ngoại trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung Quốc; nhất trí phản đối các nỗ lực đơn phương và mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Đông và Hoa Đông”-Ông T.Motegi nhấn mạnh.
Trước đó (16/2), Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố: Trung Quốc sẽ bị trừng phạt vì vấn đề liên quan tới các cộng đồng thiểu số tại khu vực Tây Bắc, vùng Tân Cương của nước này và ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường sức mạnh của khối “Bộ tứ” đối phó với những thách thức từ phía Bắc Kinh. Mỹ kỳ vọng, “Bộ tứ Kim cương” như một “NATO châu Á”.
“Bộ tứ Kim cương” là liên minh 4 nước: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia; ban đầu là hợp tác Mỹ-Ấn Độ năm 2004, đến năm 2007 thêm Nhật Bản và Australia tham gia. Liên minh “Bộ tứ” nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong lịch sử và hiện thời, mỗi nước kia đều có những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh. Mỹ chi phối “Bộ tứ” thể hiện vị thế của mình tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tháng 11/2020, nhóm nước “Bộ tứ” tập trận quy mô lớn ở vịnh Bengal, động thái được xem là gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc.
Ngày 19/2, diễn ra Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo G-7 và Hội nghi An ninh Munich. Tuyên bố chung G-7 nhấn mạnh “sự trở lại của chủ nghĩa đa phương”, phối hợp cùng nhau để biến năm 2021 thành bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương; đồng thời, định hình cho sự phục hồi nhằm thúc đẩy sức khỏe cùng sự thịnh vượng cho con người và cả hành tinh. G-7 chuyển đi thông điệp chính thức về tái gắn kết cộng đồng quốc tế và các tổ chức toàn cầu, sau những chia rẽ do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ D.Trump.
G-7 chủ trương phòng ngừa dịch bệnh mạnh mẽ bằng biện pháp xây dựng hiệp ước y tế toàn cầu; cam kết chi thêm 4 tỉ USD cho Quỹ tăng tốc tiếp cận công cụ Covid-19 (ACT-A) và Chương trình tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu (COVAX) nâng tổng số tiền hỗ trợ của G-7 lên 7,5 tỉ USD. G-7 tập trung vào mục tiêu giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng là biện pháp chủ yếu để phục hồi kinh tế
Thực thi tuyên bố “Nước Mỹ trở lại”, Tổng thống J.Biden cam kết tài trợ cho Chương trình phân phối vắc-xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa ra gói kích cầu 2.000 tỉ USD không chỉ tác động đến kinh tế Mỹ mà cả toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để tân Tổng thống Mỹ J.Biden “trình làng” thông điệp về tái gắn kết cộng đồng quốc tế.
Mỹ vẫn không từ bỏ tham vọng, muốn các nước G-7 tập hợp lực lượng đối phó với thách thức lạm dụng kinh tế và đi ngược lại các giá trị chung về kinh tế thị trường của Trung Quốc. Trong khi đó, EU hoan nghênh cam kết khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhưng muốn tự chủ, quan hệ cân bằng hơn, ít đối đầu trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Hiện, Trung Quốc là đối tác kinh tế, đầu tư, thương mại hàng đầu của EU. Với GDP cao, nhân tố chủ chốt của dòng cung ứng hàng hóa, Trung Quốc đang là động lực không thể thiếu để phục hồi kinh tế toàn cầu. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống J.Biden cũng chưa rõ có biện pháp tháo gỡ hay tiếp tục chính sách cứng rắn về thương mại với Bắc Kinh như thời kỳ Tổng thống D.Trump.
Tại Hội nghị G-7 và An ninh Munich, Tổng thống Mỹ J.Biden không chỉ ủng hộ củng cố “Bộ tứ Kim cương” mà còn cho rằng, “Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại”. Ông J.Biden ám chỉ một hướng quan hệ quốc tế mới, theo đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu điều chỉnh các chính sách đối ngoại của họ để thích ứng với thực tế mới, bao gồm cả sự chuyển hướng về châu Á.
Các nhà lãnh đạo: Pháp, Đức bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất của Thủ tướng Anh B.Johnson-Chủ tịch luân phiên G-7 năm 2021, về “Bộ tứ xuyên Đại Tây Dương”. “Châu Âu ngày càng nhận ra sự cần thiết của việc hợp tác cùng những người bạn Mỹ của chúng ta để khám phá lại khả năng gắn kết xuyên Đại Tây Dương, khiến lục địa của chúng ta trở nên vĩ đại ngay từ đầu”-Ông B.Johnson nói.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Munich, Tổng thống Mỹ J.Biden cảnh báo, các nền dân chủ phải chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc. Mỹ, châu Âu và châu Á phải hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình, bảo vệ các giá trị chung và thúc đẩy sự thịnh vượng ở hai bờ Thái Bình Dương.
Thủ tướng Đức A.Markel cho rằng, trong những năm qua, Trung Quốc đã có thêm sức mạnh trên trường quốc tế và “chúng ta-các đối tác xuyên Đại Tây Dương phải phản ứng lại với điều đó”.
Tổng thống Pháp E.Macron ủng hộ việc Mỹ quay trở lại con đường ngoại giao đa phương cũng như mối quan ngại về một Trung Quốc đang trỗi dậy.
MINH NGỌC