QPTĐ-Dư luận thế giới dành sự quan tâm đặc biệt đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc diễn ra ngày 18/8 tại Trại David (bang Maryland) với sự tham gia của Ông chủ Nhà Trắng J.Biden, Tổng thống xứ Hàn Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật F.Kishida.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio
ở cuộc gặp ba bên tại Trại David ngày 18-8.
Đây là hội nghị cấp cao độc lập đầu tiên, Tổng thống J.Biden chào đón hai nguyên thủ quốc gia Nhật, Hàn kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021 (các cuộc gặp gỡ song phương hoặc ba bên trước kia đều diễn ra bên lề các hội nghị quốc tế) nhằm nâng quan hệ liên minh ba bên lên tầm cao mới.
Theo đó, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận những vấn đề ưu tiên mà ba nước cùng quan tâm như an ninh kinh tế, công nghệ mới nổi, hỗ trợ nhân đạo, các chương trình phát triển. Đồng thời, nhất trí về cách thức nhằm thể chế hóa hơn nữa cơ chế khung hợp tác an ninh giữa ba nước, kỳ vọng duy trì an ninh và ổn định trong và ngoài khu vực châu Á.
Ngoài việc thường xuyên trao đổi thông tin và tổ chức các cuộc họp giữa quan chức cấp cao ba nước trong các lĩnh vực phát triển tên lửa, an ninh mạng, an ninh kinh tế, bảo vệ chuỗi cung ứng và vấn đề về Triều Tiên, Trung Quốc và Nga mà các bên cùng quan tâm; liên minh còn ban hành quy định khung hợp tác, tiến hành tập trận chung thường niên về chống tàu ngầm, phòng thủ tên lửa giữa ba bên, đồng thời công bố kế hoạch mở rộng hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, phát triển công nghệ, thiết lập đường dây nóng ba bên xử lý khủng hoảng.
Tuy không được coi là thành lập khối quân sự như biệt dạng “NATO châu Á” hay liên minh quân sự “Bộ tứ” Kim cương (QUAD bao gồm Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia); “Ba bên”(AUKUS bao gồm Mỹ-Australia-Anh) nhưng hợp tác quân sự, quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn lại được các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung sự chú ý.
Tuyên bố chung, ba nước cam kết nhanh chóng tham vấn cùng nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó với thách thức, hành động khiêu khích và mối đe dọa khu vực ảnh hưởng đến lợi ích chung. Ba bên đồng ý tổ chức các cuộc tập trận huấn luyện quân sự hằng năm, chia sẻ thông tin thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào cuối năm 2023, đồng thời lên án mạnh mẽ “hành vi nguy hiểm” của Trung Quốc ở biển Đông.
Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống J.Biden ca ngợi công việc trước đó các nhà lãnh đạo Nhật, Hàn đã làm để “giải quyết các vấn đề khó khăn” giữa hai nước và với Mỹ. “Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ luật pháp quốc tế và chống lại sự cưỡng ép”-Ông J.Biden nói, có ý nhắc lại thái độ cầu thị, xích lại gần nhau dịp đầu năm giữa Nhật-Hàn đã giải quyết những mâu mắc kéo dài từ giai đoạn chiến tranh 1910-1945.
Bình luận về sự kiện này, bà E.Kim (Phó giám đốc Trung tâm CSIS) viết: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn có tầm quan trọng chiến lược đối với ba nước, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng hợp tác trước những bất ổn ngày càng gia tăng trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu phát biểu với báo giới: Cộng đồng quốc tế có thể đánh giá ai đang là gia tăng căng thẳng? Những nỗ lực nhằm loại trừ các nhóm bất đồng khác và đưa các khối đối đầu cũng như liên minh quân sự vào châu Á-Thái Bình Dương sẽ không nhận được sự ủng hộ, chỉ vấp phải sự cảnh giác và phản đối của các nước trong khu vực.
Bắc Kinh đưa ra lời cảnh báo, những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực. “Chúng tôi phản đối những hành vi làm gia tăng đối đầu và gây tổn hại đến an ninh chiến lược của các nước khác”-Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố.
Trong thập kỷ qua, quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump và J.Biden, đã diễn ra “chiến tranh” thương mại, thuế quan và đầu tư. Từ năm 2018, Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế bổ sung lên 3 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Theo chuyên gia Trường Đại học Califomia, thuế quan giai đoạn 2018-2019, gây thiệt hại ròng 16 tỉ USD đối với nền kinh tế Mỹ. Đến nay, Trung Quốc áp thuế bổ sung, dao động từ 7% đến 25% lên 300 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Doanh nghiệp hai nước có 6.000 nguyên đơn kiện nhau ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bắc Kinh gọi Mỹ là “kẻ hủy diệt hệ thống thương mại đa phương”, đáp lại Mỹ tố Trung Quốc trả đũa bất hợp lý, viện cớ “tự vệ thuế quan giả tạo”.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống J.Biden, “các mức thuế quan là một đòn bẩy quan trọng trong nỗ lực đối phó với Bắc Kinh. Việc gỡ bỏ thuế quan có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc”-Đại diện Thương mại K.Tai tường trình trước Quốc hội Mỹ.
Đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống J.Biden ký sắc lệnh, cho phép Bộ Thương mại Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư vào các thực thể Trung Quốc trong 3 lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, một số hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp Trung Quốc phát triển công nghệ có thể hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa quân đội, làm suy yếu nền an ninh quốc gia Mỹ; bất chấp việc Bắc Kinh gọi, đây là hành động “cưỡng ép kinh tế trắng trợn và bắt nạt công nghệ”.
Tổng thống Hàn Quốc Yoong Suk-yeol kêu gọi đồng minh Mỹ, Nhật tăng cường hợp tác an ninh “đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa” của Triều Tiên. Tháng qua, Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 loại mới, có tầm bắn hơn 10.000 km. Năm ngoái, Bình Nhưỡng liên tục phóng thử hơn 90 tên lửa, gấp 4 lần năm 2017, gây quan ngại với Mỹ và phương Tây. Thủ tướng Nhật F.Kishiada lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và ra lệnh, sẵn sàng đánh chặn bất cứ tên lửa nào của Bình Nhưỡng nếu nó được xác nhận sẽ rơi xuống lãnh thổ của nước này.
“Xu hướng hiện nay cho thấy, hợp tác Nga-Trung Quốc-Triều Tiên đang tăng cường ở Đông Bắc Á và mối quan hệ giữa Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản cũng đang được tăng cường để đáp trả. Tuy nhiên, dường như hai bên đang kiềm chế lẫn nhau”-Chuyên gia quan hệ quốc tế Kim Jae-chun (Hàn Quốc) nhận định.
Hà Ngọc