A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động thái tích cực, cải thiện quan hệ Nga-Mỹ?

QPTĐ-Tuần qua, Lục địa già bị đốt nóng bởi thông tin nghị trường xung quanh diễn biến Hội nghị An ninh Munich 2025 (ngày 14-16/2) và cuộc gặp cấp cao giữa hai phái đoàn ngoại giao Nga-Mỹ (ngày 18/2).

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (ngồi giữa bên trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ngoài cùng bên phải) 

dự đàm phán tại Saudi Arabia vào ngày 18-2.      (Ảnh: Reuters)

Tại thủ đô Riyadh (Arab Saudi, ngày 18/2) diễn ra cuộc gặp giữa hai phái bộ ngoại giao Nga và Mỹ. Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng S.Lavrov dẫn đầu và Trợ lý Tổng thống Nga Y.Ushakov, Giám đốc Quỹ Đầu tư quốc gia Nga (RDIF) K.Dmitev. Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng M.Rubio dẫn đầu và Cố vấn An ninh quốc gia M.Waltz, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông S.Witkoff. Đàm phán ngoại giao Nga, Mỹ được Chính phủ Arab Saudi làm trung gian hòa giải.

Đây là cuộc gặp cấp cao giữa các nhà ngoại giao đứng đầu hai cường quốc quân sự, kinh tế thuộc Top đầu thế giới nhưng luôn thường trực nhiều bất đồng sau Chiến tranh Lạnh, có tác động lớn đến tình hình an ninh, gìn giữ hòa bình toàn cầu. Sau hàng thập niên gia tăng căng thẳng, dường như đây cũng là thiện chí đầu tiên, một động thái tích cực báo hiệu sự hòa hoãn giữa hai quốc gia, lập lại quan hệ hợp tác song phương cùng phát triển và bàn bạc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ, là bước chuyển tiếp sau cuộc điện đàm trong 90 phút giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump vào ngày 12/2 được cho là “mang tính hợp tác, hiệu quả, thân thiện”. Hai vị Tổng thống đạt được thống nhất, giao cho các nhóm chuyên gia xúc tiến việc nối lại quan hệ ngoại giao, chủ trương hợp tác, kiềm chế đối đầu, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ dự kiến diễn ra tại Arab Saudi vào ngày gần đây.

Kết thúc cuộc hội đàm, phát biểu với báo giới tại Riyadh (18/2), đại diện phía Nga và Mỹ cho biết: Cuộc đàm phán kéo dài 4 tiếng rưỡi “rất thẳng thắn”, “lắng nghe nhau”, “rất tốt cho thế giới”, với triển vọng: Mỹ sẽ lập “liên minh kinh tế lịch sử” với Nga, củng cố mối quan hệ giữa hai nước trong dài hạn.

Hai vị Ngoại trưởng Nga, Mỹ nhất trí 4 nguyên tắc. Một là, thiết lập lại chức năng của các phái đoàn tương ứng ở Washington và Moskva. Hai bên cần có các cơ sở ngoại giao đang hoạt động và hoạt động bình thường. Hai là, chỉ định các nhóm cấp cao giúp đàm phán và giải quyết vấn đề chấm dứt xung đột ở Ukraine theo cách lâu dài và được tất cả các bên tham gia chấp nhận. Ba là, bắt đầu thảo luận, suy nghĩ và xem xét cả sự hợp tác địa chính trị và kinh tế có thể đạt được sau khi chấm dứt xung đột ở Ukraine. Bốn là, những người tham gia hội đàm cấp cao ngày 18/2 sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình này để bảo đảm hội đàm diễn ra một cách hiệu quả.

Theo nguồn tin ngoại giao, không công bố báo chí, hai phái đoàn Nga và Mỹ đã đề xuất một kế hoạch hòa bình, chấm dứt xung đột ở Ukraine bao gồm 3 giai đoạn: Ngừng bắn, bầu cử ở Ukraine và ký kết thỏa thuận hòa bình. Có nguồn tin khác cho hay, việc bầu cử ở Kiev đã được đưa lên bàn đàm phán Nga-Mỹ nhưng sẽ được trao đổi trở lại trong tương lai, chứ không phải vào lúc này.

Ngoại trưởng Mỹ M.Rubio cho biết: Nga và Mỹ đã đồng ý khôi phục nhân sự tại Đại sứ quán của nhau sau nhiều năm cắt giảm do căng thẳng địa chính trị. Đồng thời, “củng cố mối quan hệ giữa Nga và Mỹ về lâu dài trên phương diện địa chính trị trong các vấn đề lợi ích chung và cả về măt kinh tế”, như vậy “sẽ có lợi cho thế giới”. “Nếu xung đột Ukraine kết thúc theo cách có thể chấp nhận được sẽ mở ra những cơ hội đặc biệt cho cả Mỹ và Nga”-Ông M.Rubio nhấn mạnh.

Giám đốc Quỹ RDIF Nga K.Dmitriev cho hay: “Đó là một thành tựu lớn. Dù con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hai nước đã bắt đầu nói chuyện với nhau một cách tích cực và chuyên nghiệp” sau bao năm thù địch. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov nói: “Cuộc đối thoại với các quan chức Mỹ rất mang tính xây dựng”. Hai bên sẽ bổ nhiệm Đại sứ của nước mình trong thời gian sớm nhất.

Theo giới quan sát, chấm dứt xung đột, hợp tác kinh tế, có thể sẽ là điều giúp hai nước xích lại ngần nhau hơn, trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ D.Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2 vừa tròn 1 tháng và đang điều hành đất nước Cờ hoa dưới góc nhìn của một doanh nhân tỉ phú, trung thành với tuyên bố: “Nước Mỹ trên hết!”.

Trước thông tin, Tổng thống Ukraine V.Zelensky bày tỏ sự bất bình, khi Kiev không được mời dự đàm phán; đồng thời, phản bác kết quả cuộc gặp ngoại giao Nga-Mỹ, Tổng thống D.Trump tuyên bố: “Tôi nghĩ, tôi có đủ sức mạnh để chấm dứt cuộc chiến này và tôi nghĩ nó sẽ diễn ra tốt đẹp. Hôm nay, tôi nghe thấy lời phàn nàn: Sao chúng tôi không được mời? Ồ, các vị đã ở đó 3 năm rồi, các vị phải chấm dứt cuộc chiến này”.

Mấy ngày trước, tại Liên bang Đức (14-16/2), diễn ra Hội nghị An ninh Munich 2025 (MSC-61), một diễn đàn an ninh quốc tế thường niên quan trọng nhất thế giới, thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo các quốc gia, quốc tế, học giả toàn cầu; là thước đo quan trọng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Với Lục địa già, các nhà lãnh đạo bày tỏ sự quan tâm không chỉ dừng lại bởi cuộc xung đột Ukraine mà nội khối EU, NATO đang có những rạn nứt, bất đồng về chính sách đối ngoại. Đồng thời, những tuyên bố cứng rắn, bất ngờ của Tổng thống Mỹ D.Trump khi quay lại Nhà Trắng đã tạo ra những thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ, tác động sâu rộng đến thế giới.

Là quan chức VIP, Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance có bài phát biểu “bom tấn” phát nổ ngay buổi đầu hội nghị toàn thể, tuyên bố: “Kẻ thù lớn nhất của châu Âu không phải là Nga, Trung Quốc hay Iran mà là từ bên trong, từ nội tại các quốc gia”. Ông J.D Vance chỉ trích mạnh mẽ các nhà lãnh đạo châu Âu đàn áp tự do ngôn luận, xa rời ý nguyện cử tri, không kiểm soát được làn sóng nhập cư. Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo sự trỗi dậy của lực lượng cánh hữu ở Romania, Áo, Gruzia, Slovakia, Hungaria, Pháp, Đức...Ngay sau đó, Tổng thống D.Trump đã ca ngợi, phát biểu của ông J.D Vance là “mạnh mẽ’, “rất hay”.

Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhóm họp tại Bressels (Bỉ, ngày 12/2), tân Bộ trưởng Mỹ P.Hegeth kêu gọi các đồng minh châu Âu hãy đi đầu trong vấn đề an ninh của chính họ. Các thành viên NATO cần chi ngân sách quốc phòng lên 5% GDP/năm thay vì 2% như hiện nay. “Mỹ đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng đối với lãnh thổ. Chúng tôi đang phải tập trung vào an ninh biên giới của chính mình”.

Phản ứng nhanh nhạy trước tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ trung thành với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, các quan chức cấp cao EU, NATO và các nước: Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch…lập tức họp hội nghị thượng đỉnh (ngày 17/2) theo sáng kiến của Tổng thống Pháp E.Macron, nhằm bảo đảm an ninh cho châu lục và Ukraine.

Châu Âu không khỏi quan ngại khi đàm phán Nga-Mỹ không chỉ bàn song phương, mà còn tiến tới chấm dứt xung đột Ukraine lại bỏ qua EU và các quốc gia?

                MINH NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội