Chiến lược xoay trục châu Á của Liên bang Nga
QPTĐ- Không phải đến thời điểm này, chiến lược xoay trục sang châu Á của Liên bang Nga mới được khởi động nhưng dường như sau cuộc xung đột với Ukraine, Moskva thực sự xoay chiều, chuyển hướng rõ nét hơn. Đây không chỉ là giải pháp cấp bách nhằm đối phó với hàng loạt lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga mà có thể xem như một bước đi chiến lược phục hồi kinh tế, lấy lại sự tăng trưởng ngoạn mục trong bão tố của Điện Kremlin.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong
tới dự phiên họp toàn thể Diễn đàn doanh nghiệp Nga-Trung tại Thượng Hải.
Ảnh: Internet
Ngay sau sự kiện Maidan ở Ukraine (Mùa Xuân năm 2014), bán đảo Crimea trở về với nước Nga thông qua cuộc trưng cầu dân ý, hơn 95% số người được hỏi đồng thuận, khiến Mỹ và phương Tây bàng hoàng. Từ trạng thái bất ngờ, họ lập tức có phản ứng dữ dội, ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận Moskva. Lập tức, Nga đã tìm thấy các bạn hàng thương mại, đầu tư, có thị trường rộng lớn bao gồm Trung Á, Trung Quốc, Ấn Độ rồi đến Pakistan, ASEAN, Đông Á, Trung Đông.
Tuần qua, Đoàn đại biểu Chính phủ Liên bang Nga do Thủ tướng Mikhail Mishustin dẫn đầu thăm Trung Quốc (22-24/5) và Đoàn đại biểu Đảng Nước Nga Thống nhất do Chủ tịch Đảng Dimytri Medvedev dẫn đầu thăm Việt Nam (21-23/5), là minh chứng sống động về chiến lược châu Á của Nga.
Tại Thủ đô Hà Nội, các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam nồng nhiệt đón chào Chủ tịch D.Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga, nguyên Tổng thống, nguyên Thủ tướng Liên bang Nga. Đây là lần đầu tiên ông D.Medvedev dẫn đầu đoàn đại biểu chính đảng cầm quyền Nga, thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi hội đàm với Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất D.Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga. Trong bầu không khí hữu nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch D.Medvedev thăm chính thức Việt Nam. Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga anh em. Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga. Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng việc phát triển quan hệ với các chính đảng ở Nga, trong đó có Đảng Nước Nga Thống nhất, làm nền tảng chính trị cho quan hệ lâu dài và bền vững giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo Việt-Nga đã trao đổi về đánh giá của mỗi bên về tình hình quốc tế hiện nay, các phương hướng lớn thúc đẩy phát triển tích cực trên thế giới và quan điểm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Hai bên ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất D.Medvedev với mục tiêu tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm củng cố hòa bình, an ninh, vì lợi ích của nhân dân hai nước; bảo vệ và tăng cường các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất D.Medvedev đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng-Liệt sĩ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội kiến các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và gặp gỡ Ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga.
Cùng thời gian này, tại thành phố Hirishima (Nhật Bản), Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng (bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Canada, Nhật Bản) nhóm họp từ ngày 19-21/5, ra Tuyên bố chung đề cập đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, phi hạt nhân hóa toàn cầu, an ninh khu vực và thế giới, an ninh lương thực và năng lượng. Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện Việt Nam, là khách mời tham dự Hội nghị.
Tại thành phố Thượng Hải (22-23/5), Thủ tướng Nga M.Mishustin tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Nga-Trung Quốc, tọa đàm với các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc; thăm Viện Nghiên cứu hóa dầu Thượng Hải. Ngày 24/5, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nga hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; hội kiến Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nga và Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận song phương về tăng cường hợp tác đầu tư dịch vụ thương mại, xuất khẩu nông sản, năng lượng, thiết bị công nghệ, thể thao. Hiện, Nga đang gia tăng hợp tác với Trung Quốc bởi đã đóng băng quan hệ với phương Tây. Trung Quốc cũng dựa vào Nga để khai thác nhu cầu về dầu mỏ, khí đốt.
Thủ tướng Nga cam kết, hợp tác năng lượng với Trung Quốc là ưu tiên số 1 của Nga. Năm 2022, kim ngạch thương mại Nga-Trung tăng gần 30% đạt 190 tỉ USD, kỳ vọng đạt 200 tỉ USD vào năm nay. Thống kê 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tỉ lệ này tiếp tục tăng 41%. Từ năm 2022, Trung Quốc, Ấn Độ tăng gấp đôi sản lượng nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Những năm qua, Nga và Trung Quốc nâng mối quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược, nhất là sau khi Mỹ có thái độ cứng rắn, đối trọng với hai nước. Hiện, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Ukraine. Bắc Kinh (2/2023) công bố “giải pháp chính trị” 12 điểm cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cùng với các hoạt động ngoại giao song phương, Điện Kremlin giữ vững mối quan hệ Liên minh Á-Âu với 5 nước Cộng hòa Trung Á thuộc SNG, đặc biệt là Liên minh Đối tác toàn diện Belarus.
Từ giữa tháng 5, xoay quanh cuộc xung đột Ukraine có những diễn biến mới. Phương Tây không giấu giếm kế hoạch cung cấp cho Kiev các loại vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không hiện đại, tên lửa tấn công tầm xa, tình báo quân sự, huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí, máy bay theo tiêu chí NATO. Mỹ cho phép các đồng minh cung cấp tiêm kích F-16 cho Kiev, có thể cả vũ khí hạt nhân.
Phát biểu với các nhà lãnh đạo Baltic tại Lithuania (26/5), Thủ tướng Đức O.Scholz cam kết bảo vệ từng tấc đất NATO trong trường hợp bị tấn công.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti (Nga), Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga tuyên bố: “Vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev là mục tiêu tấn công hợp pháp của quân đội Nga. Trong trường hợp phương Tây cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, chúng tôi sẽ phải tấn công phủ đầu. Vũ khí cung cấp cho Kiev càng có sức tàn phá lớn thì khả năng xảy ra kịch bản ngày tận thế hạt nhân càng cao”.
Nhật Minh