Bài 2: Vững chuyên môn, giỏi tâm lý
QPTĐ- Không kể ngày hay đêm, mưa bão hay giá rét, đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Kim Bảng (Hà Nam) luôn túc trực, sẵn sàng xử trí các tình huống cấp cứu bệnh nhân bảo đảm kịp thời không để xảy ra tình trạng bệnh chuyển nặng, góp phần ổn định sức khỏe cho các thương binh. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm không chỉ giỏi chuyên môn mà còn hiểu tâm lý người bệnh.
Linh hoạt trong mọi tình huống
Sơ cứu bệnh nhân bị khó thở.
Giữa đêm khuya, không gian tại Trung tâm khá tĩnh lặng. Thi thoảng có tiếng ếch nhái kêu. Kíp trực vẫn như thường lệ, cứ 30 phút lại đi kiểm tra tình hình sức khỏe của các thương binh một lần. Trong không gian tĩnh lặng, bỗng có tiếng hớt hải của điều dưỡng Phan Thị Định: “Bác Nghị….! Bác Nghị ơi!... Bác làm sao thế?... Ngay lập tức, điều dưỡng Định đỡ bệnh nhân nằm đúng tư thế, dùng gối kê cao đầu bệnh nhân cho thông đường thở. Vừa quan sát diễn biến của bệnh nhân, chị nhanh chóng gọi điện cho bác sĩ Quang trưởng kíp trực báo cáo tình hình đề nghị cấp cứu ngay. Không chần chừ, bác sĩ Quang cùng kíp trực có mặt thực hiện sơ cứu ban đầu. Ngay sau đó, không ai bảo ai, mỗi người một việc theo đúng chuyên môn: Người đo huyết áp, người chuẩn bị phòng cấp cứu, người chuẩn bị thuốc... tác phong rất nhanh chóng, khẩn trương. Từ vị trí phòng ngủ của bệnh nhân đến phòng cấp cứu của Trung tâm hơn trăm mét. Di chuyển bệnh nhân trên chiếc xe lăn được một đoạn thì chiếc xe gặp sự cố. Được sự hỗ trợ của điều dưỡng, bác sĩ Quang nhanh chóng thực hiện động tác cõng bệnh nhân về phòng cấp cứu. Sau khi kiểm tra thông số sinh tồn, bác sĩ sơ bộ chuẩn đoán bệnh thân khó thở do tắc nghẽn đường hô hấp… Tiếng còi của chiếc xe cứu thương kêu rú xé lòng, nhanh chóng đưa bệnh nhân lên tuyến trên cấp cứu, điều trị. Đó là toàn bộ hình ảnh về hành động của đội ngũ y, bác sĩ trong kíp trực thực hiện ca cấp cứu bệnh nhân trong đêm mà chúng tôi ghi lại và cảm nhận được. Những động tác kỹ thuật chuyên môn, sự bình tĩnh trong xử trí tình huống, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận khiến chúng tôi thật ngưỡng mộ. Chia sẻ về nội dung này, anh Quang cho biết: “Những tình huống cấp cứu như vậy, chúng tôi thực hiện thường xuyên. Vì thế các bác sĩ, điều dưỡng đều có rất nhiều kinh nghiệm, biết được nhiệm vụ của mình cần phải làm gì, và làm như thế nào đối với một ca cấp cứu. Thậm chí trong một ngày, có đến hai ca cấp cứu cùng một lúc và phải chuyển tuyến lên trên. Lúc đó, đội ngũ y, bác sĩ cũng phải căng ra cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Do đó tác phong, năng lực chuyên môn cũng như bản lĩnh của các y, bác sĩ trong Trung tâm cũng thường xuyên được tôi rèn.
Đưa bệnh nhân tắm nắng.
Được biết, ngoài các bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm, còn có nhiều thương binh sau khi được điều trị tình hình sức khỏe ổn định, nhà gần đều xin về điều trị tại gia đình. Đối với các trường hợp như vậy, lãnh đạo Trung tâm vẫn cử cán bộ bám sát theo dõi tình hình sức khỏe của các bác. Sẵn sàng tư vấn, cấp cứu bệnh nhân khi được gia đình thông báo. Được đồng hành cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm dù được ít ngày nhưng chúng tôi cảm nhận sâu sắc về sự bận rộn của họ. Hẹn chị Đỗ Thị Thúy để phỏng vấn nhiều lần nhưng đến gần cuối giờ chiều chị mới rảnh tay tiếp chúng tôi. Chị Thúy tâm sự: Ngày nào cũng thế các em ạ! Không chỉ các bác trong Trung tâm cấp cứu mà cả các bác điều trị ngoại trú cũng cần đến đội ngũ y, bác sĩ. Hễ gia đình các bác gọi là các chị phải đến ngay. Nhiều bác bỏ ăn, tự nhốt mình trong phòng gia đình cũng gọi để tư vấn cách xử lý. Có hôm nửa đêm các chị cũng nhận được cuộc gọi đề nghị đưa bệnh nhân đi cấp cứu…”. Tiếp chúng tôi được vài phút thế nhưng chiếc điện thoại trên tay chị vẫn rung lên luôn hồi.
Động viên, nắm tình hình sức khỏe của các thương binh.
“Bắt bệnh” tâm lý
Đặc thù của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng là điều trị, chăm sóc cho các thương binh mắc bệnh tâm thần mãn tính. Do đó, đội ngũ y, bác sĩ không thể chờ các bệnh nhân đến kể bệnh để bác sĩ khám và điều trị mà hoàn toàn ngược lại. Công việc đó là do chính đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng viên phải quan sát “tìm bệnh” cho các bệnh nhân để điều trị. Trao đổi với chúng tôi về điều này, Bác sĩ Chu Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh huyện Kim Bảng (Hà Nam) chia sẻ: Đây là việc khó, vì vậy Ban Giám đốc đã phân công đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên phụ trách cụ thể từng người; thường xuyên theo dõi mọi biểu hiện bất thường của bệnh nhân như: Hôm nay bệnh nhân tại sao lại bỏ ăn, tại sao lại ôm bụng; chỉ ngồi một chỗ mà không hoạt động… đề từ đó đưa ra phán đoán tìm bệnh cho các bác. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên phải gần gũi quan tâm đến đời sống tinh thần, nhất là phải nắm được tâm lý, sở thích của các thương binh để kết hợp giữa điều trị bệnh lý với điều trị tâm lý.
Gần gũi, tạo cảm giác ấm cúng cho thương binh.
Gần 30 năm gắn bó với Trung tâm, chị Nguyễn Thị Thu Hà, nắm rất chắc sở thích, tâm lý của từng thương binh. Thế nên, chị thường xuyên mua củ khoai, củ sắn, bắp ngô mang đến Trung tâm làm quà cho các bác. Chị Hà bộc bạch: “Bữa ăn hằng ngày, tiêu chuẩn bảo đảm cho các bác rất cao. Ăn cá thịt nhiều các bác cũng chán. Thế nhưng khi được mời mấy món hương vị quê hương các bác vui vẻ, phấn khởi lắm. Nhiều bác có tâm hồn nghệ sĩ rất thích hát như bác Dương Bá Mạnh mặc dù là bệnh nhân tâm thần nặng nhất Trung tâm, ấy thế mà mấy bài hát về truyền thống quân đội bác đều rất nhớ. Mỗi lần lên cơn là bác ấy đập phá, hò hét ầm ĩ, thậm chí bê cả giường ngủ quẳng đi chỗ khác. Ai vào là bị đánh ngay. Nắm được tâm lý của bác, tôi đến động viên gợi ý những bài bác ấy thường hay hát. Tâm tính bác ấy khác hẳn, nghe lời bác sĩ, trầm tĩnh hơn”. Được biết, bệnh nhân Dương Bá Mạnh chuyển về Trung tâm cách đây được vài năm. Lúc mới về, bệnh rất nặng, thường xuyên có biểu hiện bất thường. Nhưng về Trung tâm được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn sâu, có phác đồ điều trị khoa học cộng với sự quan tâm, thường xuyên gần gũi và cách nắm bắt tâm lý của cán bộ, nhân viên nên bệnh tình của bác Mạnh dần thuyên giảm.
Quang Đông -Việt Dũng