“Lặng thầm” xoa dịu nỗi đau
LS: “Tận tình, chu đáo chăm sóc các bệnh nhân bằng tình thương, trách nhiệm và sự biết ơn đối với những người đã cống hiến một phần xương máu và tuổi thanh xuân cho Tổ quốc”, đó là cảm nhận của chúng tôi khi được mục sở thị công việc của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Họ không chỉ là những thầy thuốc chữa lành vết thương chiến tranh mà còn là những “kỹ sư tâm hồn” gieo vào trong ký ức người lính chiến niềm vui, sự sẻ chia mỗi khi trái nắng trở trời.
Bài 1: Trách nhiệm nghĩa tình
Gần 90 bệnh nhân là thương binh nặng bị tâm thần và con em thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đang ở Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Kim Bảng đang hằng ngày, hằng giờ được đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên có trình độ và kiến thức chuyên sâu về bệnh tâm thần chăm sóc tận tình, chu đáo. Bằng tình thương và lòng biết ơn của mình đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân trong gia đình.
Giao ban triển khai công tác chuyên môn.
“Một giây không dứt, một phút không rời”
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Trung tâm được thành lập tháng 3 năm 1976 có chức năng tiếp nhận, điều trị, nuôi dưỡng hàng trăm thương, bệnh binh nặng mắc bệnh tâm thần mãn tính. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho 108 đối tượng của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra, trong đó có 73 thương binh, bệnh binh nặng hạng đặc biệt mất sức từ 81% trở lên; thân nhân người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc các bệnh về tâm thần. Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những bệnh nhân bị tâm thần còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Trong chuyến công tác cùng đồng đội tại Trung tâm chúng tôi được chứng kiến công việc hằng ngày của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây như cấp thuốc điều trị bệnh, tắm rửa, cho thương binh ăn... Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng để làm được điều đó, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây phải làm bằng tình thương, trách nhiệm, lòng biết ơn mới phần nào xoa dịu vết thương còn đang trên thân thể những người lính chiến. Trong ca trực, họ không chỉ làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ mà còn lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân; luôn phải theo dõi để phát hiện các hiện tượng bất thường về sức khỏe hay những vấn đề khác của bệnh nhân. Là người có gần 30 năm gắn bó với Trung tâm, chị Đỗ Thị Thúy, Điều dưỡng viên của Trung tâm chia sẻ: Các thương binh ở đây mỗi người đều có một bệnh lý khác nhau. Các bác không biết đến vui, buồn trong cuộc sống. Có những bác bị mắc bệnh hoang tưởng, luôn nghĩ mình đang sống trong chiến tranh. Trong những trường hợp như thế, các bác sĩ phải dùng thuốc để trấn an tinh thần. Đặc biệt, có nhiều bác bệnh nặng dùng thuốc an thần cũng không hiệu quả, chúng tôi phải kết hợp chữa bệnh bằng tâm lý. Bằng cách, hằng ngày chia sẻ động viên, gần gũi từ đó nắm được tâm lý, sở thích của bệnh nhân để nắm bệnh và điều trị hiệu quả hơn.
Thăm, khám bệnh cho các thương binh.
Được biết, quá trình điều trị, nhiều thương binh do tuổi cao, vết thương chiến tranh tái phát, bệnh tình trở nặng phải chuyển lên tuyến Trung ương để điều trị. Mỗi khi có bệnh nhân như thế, Trung tâm lại cử một điều dưỡng đi cùng để chăm sóc. Bởi đa phần các thương binh tại Trung tâm đều không có người thân bên cạnh. Nhiều người không nhớ quê hương, bố mẹ mình ở đâu. Chỉ nhớ được đúng tên của mình hằng ngày mọi người vẫn gọi. Đi cùng thương binh lên tuyến trên, đội ngũ y, bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các chị em. Bởi, điều kiện ăn ở sinh hoạt ở bệnh viện không như ở Trung tâm. Chị Đỗ Thị Thúy tâm sự: Chăm sóc những bệnh nhân bị tâm thần nặng vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải để mắt đến các bác 24/24, khi ngủ cũng phải nằm cùng các bác thậm chí phải lấy dây buộc tay mình với chân bệnh nhân. Làm như vậy để nếu mình có ngủ quên, khi các bác tỉnh dậy ra khỏi giường là mình biết ngay. Hay lúc đi ăn cơm cũng là bài toán khó. Các thương binh có tiêu chuẩn riêng được nhà bếp mang đến tận nơi, còn người chăm sóc thì không có tiêu chuẩn ấy nên phải ra ngoài ăn. Để bệnh nhân một mình ở trong phòng nhỡ các bác đi lung tung không biết đường về thì không biết tìm ở đâu. Nghĩ đi nghĩ lại còn mỗi cách đưa các bác đi cùng kể cả mưa hay nắng. Đặc biệt có bệnh nhân phải điều trị cả tháng trên bệnh viện cũng chỉ có một mình chăm sóc cho các bác.
Ân cần chăm sóc thương binh.
Vượt qua rào cản tâm lý
Cũng như bao điều dưỡng khác, chị Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên điều dưỡng Trung tâm cũng có những ký ức rất riêng. Nhớ lại kỷ niệm ngày mới đi làm, chị kể: Ngày đó, tôi mới tốt nghiệp ra trường, còn rất trẻ. Ngày đầu đi làm tại Trung tâm, tôi rất e ngại nhất chính là việc tắm rửa, thay quần áo cho các thương binh. Hôm ấy, tôi được giao tắm cho một bác thương binh. Vừa đưa bác vào trong nhà tắm, chưa kịp nói gì, như thói quen, bác liền cởi hết quần áo. Lúc ấy, tôi ngại quá không nói với ai chạy một mạch về nhà. Thế nhưng sau đó, tôi được gia đình và các anh chị trong Trung tâm phân tích về những ảnh hưởng do vết thương chiến tranh gây ra, nhất là ảnh hưởng đến não bộ, khiến các bác không ý thức được mình đang làm gì. Vì vậy, mình phải thấu hiểu, vượt qua được tâm lý đó mới có thể gắn bó được với nghề. Dần dà chính sự thấu hiểu đó đã giúp tôi vượt qua được tâm lý e ngại để tận tình chăm sóc, coi các bác như người cha người chú của mình vậy”.
Chăm sóc bệnh nhân như người thân trong gia đình.
Không chỉ chuyện tắm giặt, thay quần áo cho các thương binh, mà chuyện sinh lý của các thương binh cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đội ngũ y, bác sĩ, nhất là đối với các chị em. Nếu như không thấu hiểu, không có tình thương, trách nhiệm và lòng biết ơn, các y, bác sĩ nơi đây khó lòng vượt qua rào cản tâm lý ấy. Hơn thế nữa khi trái nắng trở trời có bác lên cơn, nghĩ mình đang cầm súng đánh địch, vớ được cái gì là lao thẳng về phía trước hễ thấy ai là chém. Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà kể: Mới vào làm việc được mấy hôm, tôi bị một bác cầm dao đuổi đánh. Hoảng quá, tôi gắng sức chạy thế nhưng càng chạy bác ấy càng đuổi. Khi đến vị trí ngã tư, tôi chạy rẽ sang một bên thì thấy bác ấy vẫn chạy thẳng đuổi đánh mặc dù không có ai phía trước. Lúc đó, tôi mới hiểu đó là bệnh ảo tưởng, do hậu quả chiến tranh để lại.
Đặc thù công việc của các y, bác sĩ, điều dưỡng viên là thời gian có mặt ở Trung tâm hầu như tất cả các ngày trong tuần. Hết ca trực nếu có trường hợp cấp cứu, họ phải đến Trung tâm ngay, dù đêm muộn hay mưa bão. Bởi vậy, nếu không có cái tâm và cái tầm, ít ai có thể vượt qua rào cản tâm lý ấy để gắn bó với nghề, chăm sóc các thương binh bằng tình thương, trách nhiệm. Coi thương binh như người thân trong gia đình.
Quang Đông -Việt Dũng