Tu bổ di tích
Đã có những báo động về tình trạng di tích xuống cấp khắp các vùng miền trong cả nước. Ở Hà Nội, việc này trở nên gay gắt khi mà du khách trong và ngoài nước tận mắt chứng kiến sự xuống cấp khi tới tham quan di tích. Cũng do Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước mà sự xuống cấp diễn ra ngoài ý muốn của con người, với đủ loại nguyên nhân. Bởi có hàng loạt nguyên nhân từ tác động của các yếu tố tự nhiên, xã hội và bản thân tuổi thọ di tích.
Di tích lịch sử Ô Quan Chưởng.
Nhiều di tích đã từng bị sử dụng sai mục đích, chức năng. Nói một cách nôm na, đình, chùa làm kho, nơi học hành, cơ sở y tế... Còn khi được trở lại chính mình thì bị hư hỏng, thường cũng không được sửa chữa kịp thời, năm tháng càng làm cho sự xuống cấp lan truyền, nặng nề thêm. Ngay cả nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ sập đổ song nhiều khi chỉ là sự gia cố, chống đỡ đơn giản...
Trong một hội nghị vừa qua, nghe các lãnh đạo cơ quan văn hóa quận, huyện, thị xã của Hà Nội giãi bày, thật xót lòng. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Huyện có 20 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Ba di tích chùa Phú Đôi, đình Đa Chất, chùa Bìm được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn do thành phố cấp và nguồn vốn xã hội hóa. Đình Cổ Chế được huyện hỗ trợ 400 triệu đồng nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Vũ Hồng Hải thì kể: Huyện có gần 30 di tích xuống cấp nghiêm trọng, mỗi năm huyện dành vài tỷ đồng ngân sách đầu tư, tu bổ nhưng không làm gì được nhiều.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có 5.847 di tích, trong đó có 1.167 di tích cấp quốc gia và 1.179 di tích cấp thành phố. Có khoảng 2.000 di tích xuống cấp, trong đó hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ. Để “cứu” các di tích này, Hà Nội cần nguồn hàng nghìn tỷ đồng...
Quả là khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi đó, theo phân cấp của thành phố, ngân sách cấp nào thì cấp ấy chịu trách nhiệm bố trí để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cấp đó. Còn nguồn tài chính bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo Luật di sản văn hóa thì từ ba nguồn là ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích, nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện, thị xã không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực đầu tư. Vì vậy, các nơi này đề nghị thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ. Nếu tính trung bình, mỗi di tích tu bổ tôn tạo cần khoảng 10 tỷ đồng thì tổng số kinh phí tu bổ di tích là quá lớn. Nếu có sự hỗ trợ thì theo quy định, mức hỗ trợ của thành phố là 60% tổng kinh phí, địa phương vốn đối ứng là 40%. Song cả trên và dưới đều gặp khó khăn.
Có thể nói Hà Nội đã cố gắng khá lớn bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích. Trong ba năm 2010 – 2012, hơn 500 lượt di tích được tu bổ bằng ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Giai đoạn 2013 – 2015, có 35 di tích được hỗ trợ tu bổ, với kinh phí hỗ trợ trung bình mỗi di tích 17 – 18 tỷ đồng. Năm 2016 này, 44 di tích đã xếp hạng được ngân sách sự nghiệp của thành phố tiếp tục hỗ trợ tu bổ.
Tu bổ, tôn tạo di tích là việc lớn, vừa cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài. Rất cần có kế hoạch dài hạn, chủ động về kinh phí và thời gian thực hiện từng giai đoạn, hướng vào ưu tiên các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến. Nguồn kinh phí phải bao gồm ngân sách của thành phố, quận, huyện, thị xã và nguồn lực xã hội hóa.
Di tích là tài sản vô giá, gìn giữ, phát huy tốt sẽ là điều kiện thuận lợi góp phần phát triển du lịch, lan tỏa giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
HOÀNG HƯƠNG