Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng-an ninh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
QPTĐ-Phú Xuyên là huyện đồng bằng nằm ở phía Đông Nam Thành phố, có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ của Thủ đô Hà Nội. Toàn huyện có tổng diện tích 17.104,6 ha, dân số gần 20 vạn người. Huyện có 26 xã, 2 thị trấn, với 158 thôn và tiểu khu, 16 đơn vị tự vệ; 4 trường THPT công lập, 1 trường THPT dân lập, 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường Trung cấp nghề và 1 trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Công nghiệp thực phẩm. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục QP-AN. Thông qua công tác giáo dục QP-AN đã nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và các biện pháp phòng chống tại cơ sở; nâng cao nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó vận dụng vào từng cương vị công tác, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, ổn định về chính trị, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Huyện Phú Xuyên tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức quốc phòng và an ninh cho học sinh Trung học phổ thông.
Kết quả nổi bật là, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về giáo dục QP-AN, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng-an ninh trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định 13/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Chương trình số 05-CT/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường quốc phòng-an ninh bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020... Trên cơ sở đó, cơ quan quân sự, công an với vai trò làm nòng cốt đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội triển khai thực hiện với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp. Hội đồng giáo dục QP-AN từ huyện đến cấp xã thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Cơ quan thường trực hội đồng các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ công tác giáo dục QP-AN trong toàn huyện.
Năm 2019, Hội đồng giáo dục QP-AN huyện đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, báo cáo danh sách các đồng chí cán bộ thuộc đối tượng 3, đối tượng 4, chức sắc, chức việc tôn giáo và người tu hành, trưởng các dòng họ, làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN sát tình hình địa phương; đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 4, quân số 475 người; chỉ đạo các xã, thị trấn trong toàn huyện mở 84 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 4 mở rộng, quân số gần 10 nghìn lượt người. Hội đồng giáo dục QP-AN huyện đã theo dõi, chỉ đạo các nhà trường thực hiện học rải chương trình giáo dục quốc phòng cho 6.783 học sinh và 1.402 sinh viên. Tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức QP-AN cho 5 trường THPT, sau Hội thi, các học sinh đã có nhận thức rõ về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Hội đồng giáo dục QP-AN huyện đã chỉ đạo tiến hành bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng như phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện, Đài truyền thanh các xã, thị trấn tổ chức viết bài tuyên truyền hằng tuần về QP-AN đưa tin về các hoạt động của lực lượng vũ trang huyện, kết hợp tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên. Các tổ chức đoàn, hội từ huyện đến xã, thị trấn đã lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến về công tác QP-AN vào trong các buổi học tập, sinh hoạt. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, đối với công tác QP-AN nói riêng.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN năm 2020 và các năm tiếp theo, huyện tập trung vào một số biện pháp sau:
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục QP-AN; xác định rõ giáo dục QP-AN nói chung, bồi dưỡng kiến thức QP-AN nói riêng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội từ huyện đến xã, thị trấn, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp. Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu xác định kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN là tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên; là một trong những tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; đồng thời, thấy được vinh dự, trách nhiệm của bản thân, chủ động sắp xếp công việc cơ quan, đơn vị tham gia học tập theo qui định; phấn đấu trong nhiệm kỳ cấp ủy 100% cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN.
Ban CHQS huyện, Công an huyện tích cực, chủ động tham mưu với Hội đồng Giáo dục QP-AN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nắm chắc số lượng cán bộ, nhất là sau đại hội đảng các cấp, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Việc cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN phải đúng thành phần, đủ số lượng và đúng thời gian triệu tập theo quy định.
Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là về đội ngũ giảng viên, báo cáo viên; thực hiện nghiêm quy trình soạn thảo giáo án, bài giảng; áp dụng linh hoạt, có hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực, coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; tăng thời gian thực hành diễn tập vận hành cơ chế, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã và tham quan các đơn vị thường trực trong xây dựng chính quy để gắn lý thuyết với thực tiễn hiện nay, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Chủ động bổ sung tài liệu học tập, nghiên cứu cho học viên, phù hợp với từng đối tượng. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra để phát hiện những thiếu sót, tồn tại, có biện pháp khắc phục kịp thời. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, phát hiện những nhân tố mới trong thực hiện công tác giáo dục QP-AN để nhân rộng thành phong trào ở các cơ quan, địa phương.
Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên,
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên