Nguyên tắc khi quy định TTHC và những nội dung biện pháp cải cách TTHC
Nguyên tắc khi quy định TTHC?
- Bảo đảm pháp chế (không được đặt ra thủ tục mới)
- Bảo đảm phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (phù hợp với tính nhanh nhạy của thị trường).
- Đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho công việc (quá trình tổ chức thực hiện tránh tốn kém sức lực, tiền bạc).
- Phải có tính hệ thống (tránh chồng chéo, mâu thuẫn).
Nội dung, biện pháp cải cách TTHC?
Cải cách về trình tự thực hiện:
Trình tự thực hiện, là thứ tự các bước tiến hành công việc của người tham gia và cơ quan thực hiện TTHC, được sắp xếp thành các bước theo trật tự diễn biến về mặt thời gian của quá trình giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Do vậy, khi quy định về trình tự thực hiện TTHC phải rõ ràng, nhìn vào đó cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết TTHC biết mình phải làm gì, làm như thế nào và kết quả là gì; mỗi công đoạn quy định thời gian tối đa là bao nhiêu.
- Cải cách cách thức thực hiện:
Cách thức thực hiện, là hình thức diễn ra của hành động yêu cầu hoặc đề nghị giải quyết TTHC.
Trong giải quyết TTHC, khâu trình tự thực hiện đóng vai trò rất quan trọng; nhằm tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện TTHC, thì có nhiều cách thức thực hiện để đối tượng thực hiện TTHC lựa chọn, nhằm giảm tối đa chi phí (đi lại); do vậy, với cách thức truyền thống là trực tiếp, còn các cách khác như: Qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tuyến hoặc cách thức khác (VD: Thuê đại lý làm TTHC xuất nhập cảnh).
Hiện nay, hệ thống văn bản QPPL tương đối đầy đủ để quy phạm hóa cách thức thực hiện: Quyết định số 45/2016/ QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về giải quyết TTHC trên môi trường điện tử...theo đó, Chính phủ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, các bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công của mình để kết nối và thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử (số hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, giấy tờ liên hiện xác thực điện tử, chữ ký số...).
Cải cách thành phần, số lượng hồ sơ:
Thành phần,
Thành phần hồ sơ phải liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ chứng minh của đối tượng tham gia để đảm bảo không thừa, không thiếu, không gây khó khăn, rườm rà, phức tạp, tốn kém và đánh đố đối tượng phải chuẩn bị.
Trong quy định: Phải rõ thành phần hồ sơ gồm những gì, yêu cầu bản chính hay bản sao, hay bản photo, mấy bản. Số lượng hồ sơ đối tượng phải nộp là bao nhiêu bộ.
Phải giảm tối đa những thành phần hồ sơ không cần thiết, không có giá trị chứng minh hoặc đã có ở TTHC khác.
Trong quá trình triển khai chính sách, phải đặt tình huống đối tượng không có hoặc không đủ các thành phần hồ sơ để có phương án, cơ chế giải quyết phù hợp.
Cải cách thời hạn giải quyết:
Thời hạn giải quyết, là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác đủ để giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.
- Thời hạn được quy định ở mức độ hợp lý;
- Thời hạn cũng có thể được xác định theo thỏa thuận của các bên.
- Trường hợp có nhiều cơ quan phối hợp giải quyết, có thể xác định rõ thời hạn giải quyết của từng cơ quan.
- Cải cách cơ quan giải quyết TTHC:
Cơ quan giải quyết TTHC, là cơ quan hành chính nhà nước được sử dụng quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước tiến hành xem xét, giải quyết TTHC.
Trường hợp quy định TTHC không liên quan đến quy định TTHC khác, có thể có một trong các cơ quan sau đây:
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Cấp trên chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định do mình đang nắm giữ và thực hiện cho cấp dưới thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.
- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Là cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.
Trường hợp TTHC có liên quan đến TTHC khác (liên thông), có thể có các cơ quan sau đây:
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định: Là cơ quan hoặc người ra quyết định cuối cùng về kết quả của việc thực hiện TTHC.
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có).
- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC;
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Là cơ quan tham gia giải quyết TTHC theo yêu cầu hoặc theo đề nghị của cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC.
Trong đó phải quy định rõ từng cơ quan khi giải quyết TTHC phải làm gì, làm như thế nào, kết quả là gì và trong thời gian là bao lâu. Lược bỏ những cơ quan không cần thiết, đẩy mạnh tính liên thông (Cơ chế một cửa, một cửa liên thông).
Cải cách mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện TTHC; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí:
Mẫu đơn, tờ khai, là hình thức chuẩn mang tính bắt buộc để tất cả các cá nhân, tổ chức khi tham gia TTHC điển thông tin, yêu cầu, đề nghị;
Phải được mẫu hóa trong văn bản QPPL quy định TTHC.
Chỉ điền những thông tin cần thiết để giải quyết TTHC, không yêu cầu khai những thông tin đã có trong thành phần hồ sơ khác.
Khai trực tiếp hoặc trực tuyến (nếu TTHC đó được thực hiện trên môi trường điện tử).
Kết quả thực hiện TTHC, là cái đạt được, thu được sau khi kết thúc quy trình giải quyết TTHC
Kết quả của TTHC có thể thể hiện dưới các hình thức cơ bản sau đây: Giấy phép...; Giấy chứng nhận...; Chứng chỉ hành nghề; Văn bản chấp thuận; Thẻ; Quyết định công nhận...; Thông báo...; v..v.... Kết quả TTHC phải được mẫu hóa (để thuận lợi cho lưu trữ trên cơ sở dữ liệu).
Yêu cầu, điều kiện, là những đòi hỏi mà đối tượng thực hiện TTHC phải đáp ứng hoặc phải làm khi thực hiện một TTHC cụ thể.
Lưu ý những yêu cầu điều kiện đó phải hợp lý, hợp pháp (không trái với những quy định của những văn bản pháp luật khác, bảo đảm bình đẳng giới, không phân biệt đối xử); không là rào cản để gây khó khăn cho đối tượng thực hiện TTHC; không tự đặt ra những yêu cầu, điều kiện ngoài quy định của pháp luật (nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh).
Phí, lệ phí: Là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước.
Mức phí, lệ phí được quy định phải căn cứ vào pháp luật về phí, lệ phí; mức cụ thể là bao nhiêu; nộp cho ai; thời điểm nào; cách thức nộp (khuyến khích hình thức nộp trực tuyến)
(Theo Văn phòng Bộ Quốc phòng)