A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu phí ô tô

QPTĐ-Trong những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến Đề án thu phí ô tô vào nội đô thành phố Hà Nội và cũng có nhiều ý kiến khác nhau. 

Ảnh minh họa (Internet)

Theo Sở GTVT thành phố Hà Nội thì Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường,  hướng tới mục tiêu rất tiến bộ. Đó là giảm ùn tắc đồng nghĩa với đi lại nhanh hơn, thân thiện và thuận tiện hơn, kết hợp với giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, rất phù hợp xu thế của tất cả các đô thị văn minh trên thế giới. Từ năm 2022-2023, Hà Nội sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Năm 2024, sau khi HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt, đề án sẽ được tổ chức thực hiện. Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Tuy nhiên, ý kiến từ phía dư luận (kể cả các chuyên gia) cũng còn nhiều mâu thuẫn. 

Một số chuyên gia cho rằng, chủ trương thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân đã được đưa ra từ lâu nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đề án này chưa thể thực hiện được. Cái khó là hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn đang yếu kém, mặt đường nhỏ hẹp, quỹ đất giao thông còn thấp so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cốt lõi của Hà Nội là giao thông công cộng chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn khá sớm để Hà Nội đánh giá nên hay không áp dụng phương án này, bởi chưa có các tính toán thuyết phục. Nhiều ý kiến cho rằng, Đề án thu phí còn chưa tính hết các tình huống, nên cần lùi lại thời gian, thu hẹp quy mô để thực nghiệm, điều chỉnh... Nội đô Hà Nội vẫn tập trung các bệnh viện lớn, cơ quan công sở, trường học…, nên  dù có thu phí đến mấy thì khi có việc cần người dân vẫn phải ra vào Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội là một thành phố đặc thù trong việc bố trí dân cư và nơi làm việc nên nhiều người dân phải đi lại giữa nội đô và ngoại thành.Việc thu phí vào nội đô sẽ đi ngược chủ trương giãn dân mà chúng ta đang thực hiện. Người dân sẽ quay lại mua nhà bên trong Thành phố, khiến mật độ dân số tăng lên,  thì còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn..v..v

Trong khi đó, nhiều ý kiến phản biện lại cho rằng, Hà Nội không thể bàn lùi mãi được nữa, vì vấn đề giao thông nhiều năm nay không giải quyết được. Cần phải đặt nhiều trạm thu phí không dừng, tăng giá dần ở các nút giao với các đường vành đai hướng vào trung tâm. Đồng thời, các loại thuế phí khác cũng tăng dần vào trung tâm mới hiệu quả. Ý kiến khác bày tỏ, trước khi tiến hành thu phí ô tô, hạn chế xe máy thì hệ thống vận tải hành khách công cộng với mạng lưới xe buýt, các tuyến đường sắt đô thị… cần vận hành tốt để người dân có phương án thay thế xe cá nhân. Từ đó, thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân. “Hãy nhìn xa để giãn các cơ quan, doanh nghiệp lớn, các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành. Nếu không quy hoạch tốt thì Thành phố sẽ càng khó về hạ tầng, chen chúc dân cư khi tiếp tục xây chung cư đồ sộ. Bao nhiệm kỳ đi qua mà quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng vẫn chưa bài bản. Trong khi đó, các bộ, ngành chuyển ra ngoài nhưng trụ sở cũ thì vẫn chưa trả lại. Nếu trả lại mà tiếp tục cho xây chung cư cao vút thì khác gì đấm bị bông?”….

Thu phí phương tiện vào nội đô là phương án đã được nhiều thành phố trên thế giới thực hiện có hiệu quả. Năm 1975, Singapore trở thành thành phố đầu tiên áp dụng hình thức thu phí tắc nghẽn, được gọi là hệ thống đăng ký vào nội đô (ALS) giúp nước này giảm 45% lưu lượng giao thông và giảm 25% tai nạn giao thông. Đến năm 1998, Singapore chuyển sang hệ thống thu phí tự động (ERP) khiến mật độ giao thông đã giảm thêm 15%; tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng lên mức 65%. Trong ba năm đầu thực hiện biện pháp thu phí xe vào nội đô, lưu lượng giao thông ở trung tâm London (Vương quốc Anh) đã giảm 15% và tình trạng tắc nghẽn giảm 30%. Còn chất lượng không khí ở Stockholm, Thụy Điển đã được cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng phí tắc nghẽn từ đầu năm 2007. Cục Quản lý Đường bộ Liên bang thuộc Bộ GTVT Mỹ nhận định, khi ôtô vào nội thành bị tính phí, nhiều tài xế đã chuyển qua sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp tăng lưu lượng hành khách sử dụng xe buýt hay tàu điện ngầm và giảm tắc nghẽn trên đường, đồng thời cũng giúp phương tiện công cộng di chuyển dễ dàng, nhanh chóng hơn, đạt hiệu quả cao hơn và ngày càng hấp dẫn hơn với hành khách…

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ