Tái sử dụng rơm rạ tại cộng đồng
QPTĐ-Thành phố Hà Nội từng đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2021, chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ không đúng quy định. Song trong thực tế, tình trạng tái vi phạm vẫn đang xảy ra tại một số khu vực ngoại thành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí và môi trường xung quanh, khiến Bộ TN&MT vừa phải ra Công văn hỏa tốc đề nghị Hà Nội và các địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Mô hình ủ rơm rạ làm phân hữu cơ ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn đạt hiệu quả về sản xuất và bảo vệ môi trường. (Ảnh: Internet)
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn Thành phố phát sinh hơn 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng là khoảng 352.000 tấn (chiếm 33,7%). Theo kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” vừa được Sở TN&MT Hà Nội kết hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên công bố, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch. Việc đốt rơm rạ gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, đường không. Điều này cũng lý giải tại sao, ngày 9/6/2021 vừa qua, Bộ TN&MT đã phải gửi Công văn hỏa tốc số 3115/BTNMT-TCMT tới các địa phương có liên quan, trong đó có Hà Nội, đề nghị xử phạt nghiêm hành vi đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ảnh hưởng tới môi trường này.
Đã có các giải pháp tái sử dụng rơm rạ cùng mô hình tại địa phương rất đáng chú ý. Vụ Đông Xuân 2021, đã có 6 huyện ngoại thành Hà Nội (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) trên diện tích hơn 1.000ha sử dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay việc đốt. Các hoạt động như đào tạo nhóm nông dân nòng cốt; triển khai truyền thông thông qua các kênh trực tuyến hội nhóm và trực tiếp; hướng dẫn kỹ thuật, thực hành các giải pháp xử lý; hỗ trợ ngân sách cho các địa phương, hợp tác xã, nông dân tiếp cận chế phẩm sinh học hay thu cuốn rơm đã được thực hiện... Từ đây, nhiều mô hình, sáng kiến đã được khuyến khích triển khai như: Hội phụ nữ huyện Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, Hội Nông dân huyện Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học, nông dân huyện Ba Vì thu rơm phay rơm làm thức ăn cho gia súc… Việc thu gom rơm rạ tái chế thành phân vi sinh được triển khai điểm tại xã Đức Hòa và Xuân Thu. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn giúp các hộ dân thu gom rơm rạ ủ 60 ụ (2 tạ rơm rạ/ụ), xử lý thành phân bón vi sinh, góp phần giảm bớt tình trạng đốt rơm rạ. Công ty TNHH máy Phố Hiến đang xử lý rơm rạ bằng việc sử dụng máy cuộn rơm kết hợp với máy cày địa phương để thu rơm; hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm rơm đầu ra. Ưu điểm của máy cuộn rơm là có giá thành hợp lý, chỉ khoảng 5-10 triệu/máy. Thời điểm thu hoạch là từ 1-2 ngày sau gặt và trước khi cày bừa, năng suất từ 1,5-3 ha/ca máy/giờ. Cuộn rơm có đường kính 50cm, ngang 70cm, nặng từ 12-14kg, dễ mang vác, vận chuyển...
Rõ ràng là đã có thể dừng việc đốt rơm rạ. Các cấp chính quyền đồng hành với người nông dân, quản lý giám sát chặt chẽ trong và sau mỗi mùa gặt, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và nhân rộng các mô hình hiệu quả cao. Có như vậy mới mong Hà Nội sớm trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ”.
HOÀNG HƯƠNG