6 tháng đầu năm 2021: Kinh tế phát triển ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm
QPTĐ-6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt được những kết quả khá. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư, đặc biệt tại các tỉnh kinh tế trọng điểm và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế tăng 11,42%. (Ảnh: Internet)
Tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%
Trước bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép” được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được các bộ, ngành, địa phương đồng thuận thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nước ta đang phải đối phó quyết liệt với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước (đạt 3,82%) do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến nước ta đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ước tính đạt 57,7% dự toán năm. Chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tuy nhiên kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%29. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.
An sinh xã hội được bảo đảm
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội như: Sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp có những biện pháp kịp thời vừa đảm bảo chống dịch vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời các địa phương triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Vì vậy đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 5/2021, cả nước có 5.282 xã và 191 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 335 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 6.906 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 2.540,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.354,7 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội là 1.958,4 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng khác là 1.052 tỷ đồng. Có hơn 30 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
P.Linh