A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam hướng tới xã hội sử dụng năng lượng tái tạo

 

QPTĐ-Việt Nam hiện là một nền kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng cao nên nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành Năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển, giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, mới và sạch. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp bảo đảm một nền kinh tế bền vững.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Internet)

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Cam kết của Việt Nam tại COP26 là cam kết chính trị hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Các cam kết này cũng là đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện mặt trời và điện gió, đóng góp vào nỗ lực chung để giữ gìn, bảo vệ khí hậu trái đất. 

Điện mặt trời và điện gió chiếm tỉ trọng ngày càng tăng

Phát triển năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydro và nhiên liệu tổng hợp. Trong đó, năng lượng mặt trời gồm có điện mặt trời mặt đất, mái nhà, lòng hồ và nước nóng năng lượng mặt trời. Năng lượng gió gồm có điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi. Theo tạp chí "The Economist", trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong tháng 7/2022 đạt 24,55 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng đạt 158,02 tỷ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó tỉ lệ huy động sản lượng thủy điện đạt 52,58 tỷ kWh, chiếm 33,3%; nhiệt điện than đạt 63,94 tỷ kWh, chiếm 40,5%; tua bin khí đạt 17,39 tỷ kWh, chiếm 11% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 22,06 tỷ kWh, chiếm 14%, riêng điện mặt trời đạt 16,54 tỷ kWh, điện gió đạt 5,24 tỷ kWh.

Phân tích dữ liệu năm 2021 cũng cho thấy, công suất hệ thống điện của Việt Nam đạt khoảng 76.620MW. Trong đó, thủy điện đạt 22.111MW, nhiệt điện than 25.397MW, nhiệt điện khí 7.398MW. Tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670MW, chiếm gần 27% tổng công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện gió và điện mặt trời đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Hiện tại, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện.

Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống còn khoảng 9,5%, đồng thời thúc đẩy năng lượng điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045. Các nguồn điện carbon thấp được khuyến khích phát triển để giảm phát thải carbon và hỗ trợ cho điện tái tạo.

Lộ trình và đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Hiện nay, Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh đến ưu tiên phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo. 

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Phân tích cho thấy khoảng 370GW năng lượng tái tạo có thể được tạo ra thêm vào năm 2040 nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng đối với năng lượng tái tạo, cần có các thay đổi trong hoạch địch mở rộng hệ thống năng lượng, khung pháp lý đối với việc thu mua để đảm bảo nguồn cung năng lượng tái tạo có chi phí thấp.

Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam chỉ có thể từng bước thay thế năng lượng hóa thạch thông qua đẩy mạnh phát triển năng lượng gió. Khác với than đá, khí đốt tự nhiên hoặc dầu, các tua bin gió không yêu cầu đốt bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào để hoạt động. Mặt khác, nguồn năng lượng gió không bao giờ cạn kiệt. Hiện tại, điện gió còn được làm trên mặt biển, lấy gió ngoài khơi để phát điện. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung cho điện gió ngoài khơi với ưu thế tiềm năng lớn, ổn định hơn so với đất liền.  Bên cạnh đó, năng lượng gió phát được cả ngày và đêm nên lượng điện sinh ra sẽ nhiều hơn so với năng lượng mặt trời. Điện gió không chiếm nhiều đất, trái ngược hẳn với điện mặt trời. Các tua bin gió và thiết bị thực tế không sử dụng nhiều không gian đất. Điều này có nghĩa là đất được sử dụng để đặt các trụ tua bin, cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như nông nghiệp.

Lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Quá trình chuyển dịch năng lượng mà Việt Nam đang hướng đến đòi hỏi vốn đầu tư và cần giảm thiểu tác động lên giá điện mà người dân phải chi trả. Đến nay, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm mạnh sử dụng các nguyên liệu hóa thạch không tái tạo như than và sản phẩm dầu mỏ.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ