Cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực khôi phục kinh tế
QPTĐ-Ngày 2-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực hết sức để tháng 12 này đạt kết quả tốt nhất.
Chính phủ bàn biện pháp hỗ trợ hàng không và du lịch. (Ảnh: Internet)
Kinh tế tiếp đà hồi phục
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà hồi phục trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 11,9%, qua đó duy trì mức tăng chung 11 tháng của ngành sản xuất công nghiệp đạt 3,1% so với cùng kỳ 2019. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục đạt kế hoạch. Thương mại trong nước tiếp tục xu hướng hồi phục, doanh thu bán lẻ hàng hóa có mức tăng cao, đạt 13, 2%.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, CPI bình quân tăng 3,51%, tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm. Đây là cơ hội và nền tảng tốt để thực hiện các chính sách điều hành, thúc đẩy, kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất ở mức thấp. Tỷ giá được điều hành linh hoạt với mục tiêu bình ổn thị trường. Tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, niềm tin của các nhà đầu tư được nâng cao. Tính đến ngày 20-11, chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc 1.000 điểm, thanh khoản của thị trường duy trì ở mức cao.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng cao trở lại, đạt trên 13 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,3% so với tháng 10 và 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng lên hơn 5.300 doanh nghiệp, cao nhất kể từ khi bùng phát dịch vào tháng 3 năm 2020.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất, chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Còn nhiều thách thức
Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, mặc dù có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều thách thức.
Sản xuất công nghiệp tăng nhưng chậm hơn so với tháng trước do một loạt ngành sản xuất giảm. Sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 95% so với tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 cũng giảm 9% so với tháng 10. Sự bất định và rủi ro vẫn ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài đón nhận nhiều thông tin tích cực từ các nhà đầu tư của các quốc gia lớn, tuy nhiên sự hồi phục trên thực tế vẫn còn chậm. Thu hút vốn 11 tháng đạt 26,43 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ 2019. Tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chưa cải thiện, chỉ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8% so với cùng kỳ. Xuất siêu kỷ lục nhưng chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu vào EU và một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN giảm. Thiên tai, bão lụt, sạt lở đất và dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Ước tính sơ bộ 11 tháng, tổng giá trị thiệt hại do bão lụt lên tới 38,4 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, đã xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nếu chúng ta không kịp thời xử lý tốt sẽ tác động lớn đến sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Đồng bộ giải pháp phục hồi kinh tế
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bão lũ, sạt lở vừa qua tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Đối với việc phòng chống Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược từng mang lại hiệu quả tốt, đó là kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả. Đề cao cảnh giác, thực hiện tốt “Thông điệp 5K”, trước hết là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang, nhất là những nơi đông người, phương tiện công cộng. Thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản vẫn hoạt động kinh tế-xã hội như bình thường. Truy vết đến đâu thì xử lý cách ly đến đó. Không hoang mang nhưng không được chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5-3%. Đẩy mạnh giải ngân tốt nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí. Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Các cấp, các ngành cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ như fintech, mobile money, xác thực điện tử, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ liên quan phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, những ngành chịu tác động nặng nề nhất. “Chúng ta đang nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Hôm nay, chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, chương trình đưa hàng nông thôn lên thành thị”, Thủ tướng nói. Đó là phải đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn.
P.Linh