Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam
Bài 1: Con người là trung tâm của phát triển
QPTĐ- Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế-xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong phát triển bền vững, lĩnh vực đầu tư cho con người được thể hiện ở các mục tiêu đầu tiên như: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng...
Việt Nam bảo đảm đạt các mục tiêu cụ thể liên quan tới giáo dục phổ thông.
Ấn tượng giảm tỷ lệ nghèo đa chiều
Tiếp nối những thành công xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước đây, Việt Nam tiếp tục gặt hái những kết quả ấn tượng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 1 về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. Tuy Đại dịch Covid-19 làm giảm đáng kể thu nhập của các hộ gia đình dễ bị tổn thương và gia tăng tỷ lệ nghèo tạm thời trong năm 2020, Việt Nam có khả năng sẽ đạt được cả 4 mục tiêu cụ thể thuộc mục tiêu phát triển bền vững số 1 đến năm 2030. Trong đó, Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2016 đến năm 2019, tỷ lệ nghèo đa chiều của cả nước có xu hướng giảm mạnh, từ mức hơn 9% năm 2016 xuống còn 5,7% vào năm 2019, tức giảm trung bình 1,17 điểm phần trăm mỗi năm trên phạm vi cả nước. Điều này cho thấy, nếu như vẫn duy trì được mức giảm nghèo như vậy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nghèo đa chiều vào năm 2030.
Việt Nam cũng thành công trong xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân. Trong năm 2022, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được mở rộng, riêng bảo hiểm y tế đạt khoảng 91,1 triệu người, tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021. Khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng đồng nghĩa lưới an sinh xã hội được mở rộng, có thêm hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng chế độ.
Cùng với đó, Việt Nam cũng có nhiều chính sách đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo và người dễ bị tổn thương, có quyền bình đẳng đối với các nguồn lực kinh tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, quyền sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên; tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi cho người nghèo và những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, đồng thời giảm rủi ro và tổn thương của họ do các hiện tượng và khí hậu cực đoan, các cú sốc và thảm họa về môi trường, kinh tế, xã hội.
Đối với mục tiêu 2, vấn đề xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam cơ bản sẽ hoàn thành mục tiêu này đến năm 2030. Trong đó, nổi bật là sản lượng lương thực có hạt năm 2020 thuộc vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và Việt Nam trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực. Trong đại dịch Covid-19, mặc dù chịu nhiều tác động nhưng sản xuất nông lâm thủy sản vẫn thể hiện được là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và xuất khẩu. Năm 2022, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Bảo đảm sức khỏe của người dân
Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Tỷ số tử vong mẹ trên một trăm nghìn trẻ đẻ sống đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây, từ mức 64 ca mẹ chết trên một trăm nghìn trẻ đẻ sống vào năm 2012 xuống còn 46 ca vào năm 2019, thấp hơn cả mục tiêu mà lộ trình đặt ra cho năm 2020 và 2025. Nếu tiếp tục xu thế này thì chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu như lộ trình đề ra là tỷ số tử vong mẹ trên một trăm nghìn trẻ đẻ sống vào năm 2030 là dưới 45. Số ca nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt, trẻ em bị nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh.
An toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Tình hình tai nạn giao thông ở nước ta đã giảm liên tục từ năm 2012 trở lại đây trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó, tốc độ giảm về số vụ tai nạn và số người bị thương cao hơn nhiều so với tốc độ giảm số người chết do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, Đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020 và biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trong thời kỳ đại dịch dẫn đến sự gián đoạn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Một số chương trình như tầm soát ung thư, kế hoạch hóa gia đình hoặc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm đã bị gián đoạn hoặc tạm dừng. Sự gián đoạn dịch vụ y tế này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và có thể ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện các mục tiêu. Một số bệnh dịch như lao, viêm gan B, ung thư, tim mạch có xu hướng giảm chậm, nếu không có những biện pháp đột phá thì khó có thể đạt được chỉ tiêu vào năm 2030.
Xây dựng nền giáo dục thực chất
Nhà nước và nhân dân Việt Nam xác định phát triển giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước đầu tư và tiến hành đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện công bằng trong giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học (theo chuẩn quốc gia) và vẫn đang duy trì kết quả này. Toàn bộ trẻ em độ tuổi 6-10 đều học cấp tiểu học và được miễn học phí. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp trung học cơ sở, tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở bảo đảm theo chỉ tiêu đặt ra.
Hiện tại phần lớn các giáo viên tại các cấp giáo dục phổ thông đều được yêu cầu phải bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhất định. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học đều đạt gần 99-100%.
Các chương trình giáo dục các cấp hiện đã bước đầu lồng ghép kiến thức cần thiết về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong các môn học có liên quan như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Phương thức lồng ghép hiện được thực hiện thông qua lựa chọn một số nội dung về phát triển bền vững như: Bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ, quyền trẻ em, phòng chống ma túy và HIV/AIDS, bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống tham nhũng… để đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa hoặc ngoại khóa ở tất cả các cấp học.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu về vấn đề chất lượng lao động có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động và mục tiêu về tiếp cận bình đẳng về giáo dục và đào tạo cho những người dễ bị tổn thương.
Trong mục tiêu 5 về đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, một số chỉ tiêu liên quan đến tham chính của phụ nữ có sự cải thiện trong những năm gần đây như tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tỷ lệ phụ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng. Việc chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản cho phụ nữ đạt được những tiến bộ đáng khích lệ. Tuy nhiên, mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng lên, các vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa có xu hướng được cải thiện và phụ nữ vẫn dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những khoảng trống lớn trong việc thực thi chính sách thúc đẩy bình đẳng giới.
Đức Minh