RSF và CPJ lại can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp của Việt Nam
QPTĐ-Trong những năm qua, mỗi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam khởi tố, truy tố, xét xử các tội phạm xâm phạm về an ninh quốc gia, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài thiếu thiện chí, có cái nhìn lệch lạc về Việt Nam liền chỉ trích, có những cáo buộc mang tính áp đặt và những đòi hỏi hết sức phi lý. Hành động này được một số trang tiếng Việt ở nước ngoài, các trang mạng xã hội, Facebook cá nhân cổ súy, loan tin nhằm tạo áp lực, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của cơ quan tư pháp Việt Nam..
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) thường xuyên can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp của Việt Nam.
Ngày 16-2, các trang tiếng Việt như RFA, VOA loan tin về việc Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) có đòi hỏi hết sức phi lý là trả tự do vô điều kiện cho Phan Bùi Bảo Thy với lý do “vấn đề sinh mệnh của ông Phan Bùi Bảo Thy cho thấy rõ “tấm áo” bó chặt các nhà báo công tại Việt Nam. Họ bị đàn áp ngay khi đi chệch khỏi con đường chính thức mà cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra. Biện pháp này của Việt Nam vi phạm điều 25 của chính Hiến pháp Việt Nam”. Sau đó, ngày 19-2, RFA tiếp tục loan tải thông tin Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) cũng có hành động tương tự, đòi thả tự do cho Phan Bùi Bảo Thy với lý do “cần cho phép báo giới loan những chủ đề vì lợi ích chung mà không phải lo sợ bị bỏ tù”. RSF và CPJ cho rằng, Phan Bùi Bảo Thy vì tố cáo chống tham nhũng trên mạng xã hội nên bị bắt giữ.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Trị đã có quyết định khởi tố, tạm giam đối với 2 đối tượng là Phan Bùi Bảo Thy, (sinh năm 1971, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, công tác tại Báo Giáo dục & Thời đại) và Lê Anh Dũng (sinh năm 1962, trú tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo Công an tỉnh Quảng trị, trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản facebook đăng tải các bài viết, hình ảnh, video... có nội dung nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín, danh dự của các cá nhân, trong đó có lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành Trung ương.
Sau một thời gian triển khai kế hoạch đấu tranh ngăn chặn và qua tiếp nhận tin báo tội phạm, ngày 4-2, lực lượng chức năng đã tổ chức khám xét đối với Lê Anh Dũng khi người này đang trên đường rời thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) để vào Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong điện thoại Lê Anh Dũng có nhiều tài liệu chứng minh đối tượng này trực tiếp quản trị, điều hành và đăng tải các bài viết, hình ảnh lên mạng xã hội với nội dung như trên. Lê Anh Dũng cũng khai nhận việc làm trên có sự giúp sức của Phan Bùi Bảo Thy. Từ lời khai của Dũng, ngày 5-2, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy. Qua đấu tranh, Thy khai nhận về việc đã cùng Dũng soạn thảo nhiều bài viết nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trên các trang Facebook ẩn danh. Vào ngày 5 và 6-2, Công an tỉnh Quảng Trị đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Dũng và Thy để điều tra, làm rõ hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân” theo đúng qui định pháp luật.
Việc bắt, tạm giam bị can để điều tra là hoạt động bình thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật và phải tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Vậy cơ sở nào để RSF và CPJ cho rằng Phan Bùi Bảo Thy bị bắt giữ là do chống tham nhũng. Trong khi đó, vụ việc đang trong quá trình điều tra. Phan Bùi Bảo Thy có phạm tội hay không thì còn phải chờ kết quả các hoạt động tư pháp tiếp theo. Việc RSF và CPJ vội vàng lên tiếng đòi trả tự do cho Phan Bùi Bảo Thy là hành động can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp của Việt Nam, đồng thời, càng khẳng định sự thiếu thiện chí của các tổ chức này đối với Việt Nam.
RSF là một tổ chức phi chính phủ với phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Mục đích của họ được cho là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Viện dẫn Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc về nhân quyền, tự do ngôn luận, tổ chức này tuyên bố theo đuổi tự do chân lý khách quan là một yếu tố của phẩm giá và tự do của con người, cho rằng tự do ngôn luận và thông tin là tự do đầu tiên. Nhưng đối với Việt Nam, RSF thường xuyên đưa ra những thông tin, đánh giá, bình luận sai lệch, vu khống, đánh giá không đúng bản chất vấn đề của Việt Nam. Nói về RSF, Giáo sư Salim Lamrani-nhà văn và nhà báo người Pháp trên tạp chí “Nghiên cứu toàn cầu” trong bài “Sự lừa dối của Phóng viên không biên giới” đã viết: “Như người ta có thể dễ dàng thấy, Phóng viên không biên giới không phải là một nguồn đáng tin cậy. Chương trình nghị sự chính trị ẩn giấu của nó đã trở nên quá rõ ràng và ác ý của nó đối với một số quốc gia nằm trong danh sách đen của Mỹ hầu như không phải là vấn đề trùng hợp”.
Còn CPJ được thành lập ở Hoa kỳ năm 1981 với mục đích "khuyến khích tự do báo chí toàn cầu và bảo vệ quyền của các nhà báo trong việc truyền tải thông tin mà không sợ bị tấn công, cầm tù, giết hại, bắt cóc, đe dọa, kiểm duyệt hoặc sách nhiễu". Tuy nhiên, mục đích ít nhiều có tính tích cực ấy lại không được CPJ tuân thủ nghiêm ngặt. Chỉ riêng các ý kiến về hoạt động báo chí ở Việt Nam đã cho thấy, CPJ thiếu thiện chí, vô căn cứ và thiếu tinh thần xây dựng. Các báo cáo, kết luận của CPJ rất thiếu thực tế, thậm chí là xuyên tạc thực tế. Nhìn vào những thông tin, số liệu được CPJ sử dụng làm căn cứ để xây dựng báo cáo, thống kê, không khó để nhận ra CPJ chủ yếu cóp nhặt từ internet, đặc biệt từ website của các tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam. Các cá nhân được CPJ chọn trao giải "tự do báo chí quốc tế" đều có "thành tích" chống phá chính quyền nhiều hơn là thành tích viết báo.
Phương Minh