A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển con người toàn diện: Sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững đất nước

QPTĐ-Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Đồng thời, phát triển con người Việt Nam toàn diện là sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển con người.

Chỉ số phát triển con người
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index-HDI) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Chỉ số này được phát triển bởi một nhà kinh tế người Pakistan là Mahbub ul Haq và nhà kinh tế học người Ấn Độ Amartya Sen vào năm 1990. Sau đó, HDI được UNDP sử dụng như là công cụ để đánh giá và xếp loại mức độ phát triển con người ở các quốc gia trên thế giới.

Phát triển con người chính là, và phải là sự phát triển mang tính nhân văn. Đó là sự phát triển vì con người, của con người và do con người. Quan điểm phát triển con người nhằm mục tiêu mở rộng cơ hội lựa chọn cho người dân và tạo điều kiện để họ thực hiện sự lựa chọn đó (có nghĩa là sự tự do). Những lựa chọn quan trọng nhất là được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có được một cuộc sống ấm no.

Năm đặc trưng của quan điểm phát triển con người là: Con người là trung tâm của sự phát triển; người dân là mục tiêu của phát triển; việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống hiến); chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho mọi người dân về mọi mặt như tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch, màu da... và tạo cơ hội lựa chọn tốt nhất cho người dân về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...

HDI là một thước đo tổng quát về phát triển con người. Nó đo thành tựu trung bình của một quốc gia theo ba tiêu chí. Sức khỏe (LEI): Một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh, đo bằng tuổi thọ trung bình. Tri thức (EI): Được đo bằng số năm đi học bình quân (MYSI) và số năm đi học kỳ vọng (EYSI). Thu nhập: Mức sống đo bằng GNI bình quân đầu người.

Quan điểm về phát triển con người
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận con người trong hệ giá trị của sự phát triển nhân cách. Người khẳng định Độc lập-Tự do-Hạnh phúc là mục tiêu hàng đầu của đấu tranh cách mạng, là hệ giá trị vĩnh cửu cho sự phát triển của xã hội Việt Nam. Trong triết lý hành động của mình, Người luôn coi độc lập là tiền đề, tự do là then chốt, hạnh phúc là đích đến. Người viết: “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”. 

Thấm nhuần tư tưởng của Người, hơn 90 năm qua, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều quán triệt, đều hướng tới mục tiêu giải phóng con người, phát triển toàn diện con người Việt Nam; từ đó, chú trọng chăm lo cho con người, gắn phát triển con người với phát triển kinh tế, văn hóa; xây dựng và mở rộng dân chủ, thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. 

Chính vì vậy, văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng đều đặt ra vấn đề phát triển con người và khẳng định vị trí, vai trò của phát triển con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”. Một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020 là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” và “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”. 

Tại Đại hội XIII, vị trí, vai trò của phát triển con người một lần nữa được khẳng đinh: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. 

Trong đó, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam. Đây là những quan điểm mới, phù hợp với thực tiễn phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phát triển con người được quốc tế thừa nhận
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng chỉ số HDI. Đây là bằng chứng và là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế gắn liền với sự quan tâm phát triển con người.

Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng theo chỉ số HDI cao hơn nhiều nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Chỉ số HDI của Việt Nam liên tục được cải thiện trong thời gian qua, từ 0,605 vào năm 1990 tăng lên 0,649 năm 1995; năm 2002 và 2003 là 0,688; năm 2004 là 0,691; năm 2021 là 0,703 phản ánh những thành tựu phát triển con người chủ chốt như mức sống, tuổi  thọ, y tế và giáo dục. Tuổi thọ của người dân Việt Nam tăng từ 68,6 năm 2003 lên 73,6 tuổi năm 2021. 

Trong Báo cáo Phát triển Con người (HDR) toàn cầu 2021/22, "Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi”, UNDP nhận định rằng: Không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch. 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, và các nhóm, cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người. Giá trị HDI của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704) và Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117 trên 189 quốc gia vào năm 2019 lên 115 trên 191 quốc gia vào năm 2021.

UNDP cũng khẳng định rằng, quá trình phục hồi sau Covid-19 đã bắt đầu, nhưng ảnh hưởng của đại dịch vẫn đang được cảm nhận ở tất cả các khu vực. Trên toàn cầu, khoảng 600 triệu đến một tỷ người bị nhiễm vi rút, hơn sáu triệu người tử vong vì Covid-19. Tình trạng mất việc làm và thu nhập gây ra khó khăn nghiêm trọng đối với người nghèo và cận nghèo, đồng thời làm gián đoạn các trường học và trường đại học dẫn đến mất động lực trong giáo dục và đào tạo. 

Các dịch vụ y tế và cộng đồng bị quá tải, chất lượng dịch vụ y tế giảm sút nhiều. Phần lớn là do đại dịch, chỉ số HDI đã giảm trên toàn cầu hai năm liên tiếp lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm của chỉ số này. Phát triển con người đã giảm trở lại mức năm 2016, làm đảo ngược nhiều tiến độ hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững. Hơn 90% các quốc gia đã ghi nhận mức giảm điểm HDI của họ vào năm 2020 hoặc 2021.

Song “Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do Covid-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong HDR”-Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP cho biết. Ông cũng cho rằng: “Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vắc-xin đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022”.

UNDP cũng lưu ý, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất, làm người dân phải thay đổi chỗ ở và sinh kế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Khủng hoảng ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự không chắc chắn. UNDP khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục-đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia, năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ