QPTĐ- Trong những năm qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, Việt Nam ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội. Đó là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện quyền của người lao động; xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương gồm người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội, kể cả nạn nhân bị mua bán người; bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới; bảo đảm và bảo vệ quyền của trẻ em.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Ảnh: Internet
Chính sách nhất quán của Nhà nước
Quyền con người trong lao động là những quyền con người liên quan đến điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động, bao gồm việc làm, tiền lương, an toàn lao động, hoạt động công đoàn, an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm nói riêng. Trên bình diện quốc tế, quyền làm việc và được hưởng những điều kiện làm việc thích đáng của con người được quy định tại Điều 6 và Điều 7 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR).
Đối với Việt Nam, chính sách nhất quán của Nhà nước trong lĩnh vực lao động được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013, bộ luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia. Hiến pháp khẳng định, công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 đã cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp với những nội dung mới có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, nhiều quy định mới bảo đảm cho việc thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực lao động. Đó là: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Bộ luật bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bộ luật đã đưa ra những quy định pháp lý cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương và điều kiện lao động thông qua đối thoại và thương lượng, trong đó vai trò của Nhà nước chỉ giới hạn ở việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu như tiền lương tối thiểu và giới hạn thời gian làm thêm giờ. Bộ luật cho phép người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức đại diện người lao động do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm 7 trong số 8 công ước cơ bản. Đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.
Thực tiễn sinh động
Thực tế, trong những năm qua, quyền con người trong lĩnh vực lao động, xã hội ở Việt Nam đã được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Điều đó được thể hiện ở việc tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong những năm qua đạt khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 23 lần, từ 159 USD/năm (1985) lên 3.743 USD/năm (2021). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm từ 6,9% của năm 2001 xuống 3,22% năm 2021. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều…
Chính sách bảo trợ, an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Nhà nước dành nhiều nguồn lực, biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, như giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng...
Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Hệ thống y tế được tổ chức đến tận cơ sở thôn, bản không những phát huy tốt hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu mà trong nhiều lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật khám, điều trị, chữa bệnh đã đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2022 đạt 92,04% dân số.
Thành tựu về việc bảo đảm việc làm của nước ta thể hiện rõ nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. Sau 3 năm bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thị trường lao động-việc làm đã phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, nhưng lao động có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm. Thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 82 trên thế giới thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. ILO cho rằng, đây là chính sách thành công, cần nhân rộng để thúc đẩy phát triển trong khu vực ASEAN. Tính đến cuối năm 2022, có 14,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18%-đạt chỉ tiêu được giao. Mục tiêu, đến năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 35% và 45% vào năm 2030. Giai đoạn Covid-19, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều nghị quyết về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Thực hiện theo các chỉ đạo này, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong năm 2021-2022, đã hỗ trợ cho trên 13 triệu người lao động, với số tiền trên 31.000 tỷ đồng, giảm đóng cho trên 446.000 đơn vị sử dụng lao động với số tiền trên 9.100 tỷ đồng. Tổng số hỗ trợ qua gói Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là trên 41.000 tỷ, khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh bình thường và trong bối cảnh bất thường như Covid-19.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận
Những nỗ lực và thành tựu trong việc bảo đảm việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong Báo cáo “Đánh giá Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021” công bố tháng 9/2021, Tổ chức ILO khẳng định, sau 5 năm thực hiện DWCP lần thứ 3, khung pháp lý và chính sách về việc làm tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, góp phần mở ra nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững cho cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt là cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy việc làm bền vững, cũng đã được đại diện Bộ Lao động Hoa Kỳ đánh giá cao tại sự kiện “Đối thoại lao động Việt Nam-Hoa Kỳ” diễn ra vào tháng 11 năm 2022. Tại đối thoại này, phía Hoa Kỳ đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực chung của Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt trong các nội dung phía Hoa Kỳ quan tâm bao gồm việc gia nhập các công ước, vấn đề lao động trẻ em.
Mới đây nhất, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo cho biết: ILO nói riêng và Liên hợp quốc nói chung lấy Việt Nam là mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước tham khảo, học tập; mong muốn và tin tưởng Việt Nam tiếp tục phát triển để có thêm nguồn lực chi tiêu nhiều hơn cho an sinh xã hội. Tổng Giám đốc ILO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tất cả các vấn đề liên quan tới lao động, việc làm; đề nghị Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến của ILO liên quan lao động, việc làm; mong muốn hợp tác cùng Việt Nam để thực hiện các sáng kiến của ILO và Liên hợp quốc về thúc đẩy việc làm toàn cầu, nhất là việc kết hợp các ưu thế của cả hai bên để thúc đẩy phát triển cân bằng cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đức Minh