A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cho phép lợi dụng vụ án “chuyến bay giải cứu” để xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng

QPTĐ- Từ ngày 11/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án "chuyến bay giải cứu" về các tội: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đây là vụ án tham nhũng lớn, thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông trong nước cũng như quốc tế. Trong đó, một số trang tiếng Việt thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, BBC, VOA..., bên cạnh đưa tin về việc xét xử vụ án còn có những bài phân tích, bình luận xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta. Thậm chí một số bài viết còn mang tính kích động nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái đó.

RFA lợi dụng xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” để xuyên tạc, chống phá.

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án tổ chức những “chuyến bay giải cứu” được tổ chức công khai và thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không có vùng cấm, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, lợi dụng việc xét xử vụ án, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước cũng như hải ngoại đưa ra nhiều bài viết với nội dung xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng, ngụy biện cho rằng tham nhũng là do cơ chế, tạo cớ bôi nhọ đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Trên RFA, ngoài việc thông tin về phiên tòa xét xử, trang tiếng Việt này cũng không quên cài vào những bài viết mang tính hướng lái dư luận, xuyên tạc, bôi nhọ công tác phòng chống tham nhũng cũng như hoạt động tư pháp của nước ta như: “Vụ xử “Chuyến bay giải cứu”: Tòa đã “không đếm xỉa” quyền lợi của người dân, lại tỏ ra “yếu kém” về mặt chứng lý”; “Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tòa xử như “mua bán”, thua kém “nghiêm minh” so với thời phong kiến”; “Sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”: Hàng trăm ngàn nạn nhân thực sự bị “bỏ qua””... 

Các bài viết này, một mặt ngụy biện, quy chụp về tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, cho rằng việc chống tham nhũng chỉ là “tỉa nhánh”, “sâu mọt càng bắt càng nhiều”…, mặt khác lại xuyên tạc hoạt động tư pháp của Việt Nam. Bài viết cho rằng “Phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” cho thấy tòa án của Việt Nam xét xử như “mua bán”, về độ nghiêm minh còn kém xa so với thời phong kiến”... 

Rồi RFA phỏng vấn hàng chục đối tượng bất mãn, phần tử phản động, cơ hội chính trị nhằm hướng lái vụ án sang vấn đề khác. Ví dụ như RFA phỏng vấn Võ Văn Tạo, một phần tử bất mãn, tham gia nhiều hội nhóm chống phá Đảng và Nhà nước. Và Võ Văn Tạo đã “không bỏ lỡ cơ hội”, tiếp tục nói xấu, bôi nhọ đất nước rằng: “Vụ án này đưa ra, vì họ cho rằng nạn tham nhũng hoành hành quá lộ liễu, nên người dân sẽ không tin nữa. Niềm tin của người dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam bị suy suyển nghiêm trọng sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu với xã hội, nên họ đưa ra xét xử với mục tiêu như thế, có tính chất là “rách đâu vá đấy”, chứ không phải cơ bản”...

Trên VOA cũng đăng tải một loạt bài viết mang tính xuyên tạc như: “Chuyến bay giải cứu: Xử cán bộ tham nhũng, không thấy bồi thường cho dân”; “Vụ “chuyến bay giải cứu”: Tòa xử cán bộ tham nhũng, không có đền bù cho người dân”; “Nhìn lại “tấn trò đời” chuyến bay giải cứu”... Đặc biệt, VOA đăng bài viết của Lê Quốc Quân, một phần tư cơ hội chính trị, nhiều lần lợi dụng danh nghĩa yêu nước để cùng nhiều người tụ tập gây rối trật tự công cộng. 

Trên bài viết của mình, Lê Quốc Quân xuyên tạc rằng các quan chức tham nhũng là do “không thể tử tế trong một cơ chế bất lương”. Quân viết: “Nếu muốn trở nên lương thiện, họ phải thoát ra khỏi cơ chế tội lỗi đã sản sinh và nuôi dưỡng họ. Không một ai có thể nắm được một chức vụ hành chính trung và cao cấp nếu không phải là đảng viên, không phải nằm trong “phe phái” thuộc “xâu chuỗi” nào đó, cùng ăn chia lợi ích với nhau”; hay “cả hệ thống toà án Việt Nam đang hành xử như một cái chợ”. Quân quy chụp với giọng điệu hết sức phản động rằng: “Trong một cơ chế tù mù và đầy cạm bẫy, những tham vọng cá nhân luôn luôn trỗi dậy và sinh sôi. Đó chính là nguồn gốc của mọi loại tham nhũng”. Nguy hiểm hơn, Quân còn xúi giục, kích động người dân “kiện Chính phủ Việt Nam” để đòi lại số tiền phải chi trả không đúng với bản chất của vụ việc.

Chống tham nhũng, tạo dựng lòng tin
Tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại nhiều nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị nào. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào lãnh đạo đất nước, mà do nhiều nguyên nhân khác nhau từ hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trình độ dân trí thấp, suy thoái đạo đức lối sống... 

Đối với Việt Nam, là quốc gia đang trên đà phát triển, chịu tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, do đó còn vấn nạn tham nhũng là không thể tránh khỏi. Nhận thức rõ vấn đề trên, Đảng và Nhà nước đang nỗ lực từng bước làm trong sạch bộ máy Nhà nước, minh bạch trong quản lý kinh tế để đẩy lùi tác động tiêu cực. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. 

Để phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, đi cùng với đó là sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp gắn với việc điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tạo sức răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội. Phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 23 ngày 12/1/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, qua 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận thức ngày càng sâu, quyết tâm ngày càng cao hơn, cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, số lượng vụ án đưa ra xử lý ngày càng nhiều trên hầu hết các lĩnh vực, trên cả các địa phương. 

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính.

Trở lại vụ án “chuyến bay giải cứu”, trong đại dịch Covid-19, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã tổ chức chuyến bay giải cứu 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam vào tháng 2/2020. Tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly. 

Sau khi tổ chức các chuyến bay thí điểm thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay “combo” song song với các “chuyến bay giải cứu” đến hết tháng 1/2022. Thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã cấp phép và đã tổ chức được trên một nghìn chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân. 

Chủ trương kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước. Tuy nhiên, từ chính chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn đó lại xuất hiện một số cán bộ, đảng viên-những người mang trong mình trọng trách là “công bộc" của dân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, móc ngoặc với nhau để đưa và nhận hối lộ, tư lợi cá nhân với số tiền lớn, phạm vi rộng.

Do đó, việc đưa ra xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” một lần nữa chứng minh cho chủ trương chống tham nhũng “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chứ không phải “tỉa nhánh”, “sâu mọt càng bắt càng nhiều” hay “rách đâu vá đó” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải luôn nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ và kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vụ án để xuyên tạc, phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ