A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự phê bình và phê bình phải trên tình thương yêu

 

QPTĐ-Tự phê bình và phê bình là hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên chủ động chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục, giúp đảng viên và tổ chức Đảng luôn giữ vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Nhưng thực tế ở một số tổ chức Đảng việc thực hiện tự phê bình và phê bình chưa nghiêm, qua loa, đại khái, thiếu thực chất, thiếu động cơ trong sáng, gây mất đoàn kết nội bộ, làm thui chột tính chiến đấu, đấu tranh của Đảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tự phê bình và phê bình theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Nguy hại từ kiểu đấu tranh xuôi chiều

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén để uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ nhằm củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong tư duy, nhận thức đến hành động cách mạng. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn tổ chức Đảng thực hiện tự phê bình và phê bình chưa tới nơi tới chốn, làm lấy lệ, làm cho có, chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng bị giảm sút, mang tính hình thức, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên bị suy giảm. Dẫn đến hậu quả là đảng viên trong các tổ chức Đảng này lợi dụng phê bình để công kích lẫn nhau, hoặc thực hiện tự phê bình và phê bình theo kiểu đấu tranh xuôi chiều.

Biểu hiện rõ nhất đối với tự phê bình và phê bình theo kiểu đấu tranh xuôi chiều, đó là khi thực hiện phê bình, nhất là khi phê bình cấp trên lại e dè, nể nang “dĩ hòa vi quý”, vì sợ va chạm, sợ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, nên chưa nêu cao tính xây dựng, tính chiến đấu của người cán bộ, đảng viên. Sa vào tâm lý, thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên án đấu tranh, “gió chiều nào theo chiều ấy”, trong sinh hoạt Đảng, số cán bộ, đảng viên này thường ngại phát biểu ý kiến, nếu phát biểu cũng phê bình chung chung, chiếu lệ, né tránh những vấn đề nhạy cảm, gai góc, xem người khác nói gì rồi hùa theo. Không ít tổ chức Đảng mất đoàn kết nội bộ vì đoàn kết xuôi chiều do có những cán bộ, đảng viên như thế.

Bên cạnh đó, cũng có những đảng viên lợi dụng phê bình để công kích, soi mói, hạ bệ gây mất đoàn kết nội bộ. Biểu hiện rõ nhất của những đảng viên này là trông trước, ngó sau, đón ý cấp trên để phê bình cho “trúng”, trước cấp trên thì xum xoe, nịnh bợ, luồn cúi, trước nhân dân thì thờ ơ, vô cảm. Thích kéo bè, kéo cánh, khi quyền lợi của cá nhân bị đụng chạm, hoặc nhằm đạt được một mục đích nào đó là họ sẵn sàng lợi dụng việc phát huy dân chủ, đề cao phê bình để công khai nói xấu, công kích để hạ thấp uy tín của người được phê bình, gây mất đoàn kết. Còn khi bản thân được người khác phê bình thường có biểu hiện không thừa nhận khuyết điểm, thái độ cầu thị không tốt. Họ thực hiện phê bình không khách quan, không kịp thời nhắc nhở đồng chí, đồng nghiệp mà “tích lũy khuyết điểm” của người khác để kết tội. Cho nên, do thực hiện không nghiêm túc tự phê bình và phê bình mà không ít tổ chức đảng và đảng viên thực chất yếu kém, thậm chí có vi phạm vẫn được “bỏ qua”, chậm bị phát hiện để chấn chỉnh xử lý kịp thời. 

Đây cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. 

Đấu tranh phải chân thành có lý, có tình 

Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tự phê bình” đăng báo Nhân dân, 20/5/1951, trong đó nhấn mạnh: “Mục đích của tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ, sửa chữa sai lầm”, chứ không phải là để “bới lông tìm vết”, để trả thù, nên cách thức tiến hành phải có lý, có tình, có nghĩa. Trong mọi mối quan hệ công tác hay ứng xử đời thường, Bác rất chú trọng chữ “tình”, vì theo Người “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế”. Nên Bác hiểu rất rõ con người không phải thánh thần, mỗi con người đều có cá tính, sở trường, đời sống riêng, hơn nữa trong lòng mỗi người đều có cả điều thiện và điều ác, cho nên, nếu biết làm cho những điều thiện nảy mầm, điều ác thui chột dần đi, thì mỗi con người sẽ tốt hơn, xã hội vì thế mà phát triển. Cán bộ, đảng viên cũng vậy, trong công tác hay cuộc sống thường ngày cũng không tránh khỏi khuyết điểm cần phải khắc phục, vì thế: “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”, nghĩa là phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, vì “không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Cho nên, khi tiến hành tự phê bình và phê bình, cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh, cùng giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ. Thế nên, phê bình phải mang tính khách quan, vô tư, có lý, có tình, cổ vũ ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, phê bình không phải là sỉ vả, xúc phạm danh dự của nhau mà là sự thể hiện tình cảm đồng chí trong sáng, chân thành. Đồng thời, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào”, “từ trên xuống, từ dưới lên” để phê bình và tự phê bình bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, có chất lượng gắn với khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, chống thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, phải biết phân tích ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí mình theo quan điểm toàn diện, khách quan, lịch sử cụ thể. Khi tự phê bình bản thân phải bảo đảm tính trung thực trong tự kiểm điểm, phê bình thì công khai dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ