A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyền con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Bài 2: Con người là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước

QPTĐ-Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xác định, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì con người và cho con người”. Quan điểm trên một lần nữa được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Tất cả các mục tiêu phát triển đất nước đều hướng đến bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho nhân dân.

Giá trị chung của nhân loại

Quyền con người là một phạm trù đa diện, do đó có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Như vậy, nhìn ở góc độ nào và ở cấp độ nào thì quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, một điều rõ ràng quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử.

Giống như ở nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định những tư tưởng và đường lối chỉ đạo về quyền con người làm cơ sở cho việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế. Đảng ta xác định: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”. 

Quan điểm coi quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại về cơ bản cũng là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc từng khẳng định: Quyền con người là ngôn ngữ chung của nhân loại. Quan điểm này cũng được gián tiếp phản ánh trong hệ thống văn kiện pháp lý về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ khác thông qua từ trước tới nay, thể hiện ở việc xác định tính phổ biến của quyền con người, theo đó, quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân...

Con người là trung tâm

Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo kể từ ngày thành lập đến nay đã chứng minh rằng, nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng là con người. Chính vì vậy, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: "Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội". Trong công cuộc Đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Tăng trưởng và phát triển kinh tế vì con người, đi đôi với phát triển các mặt về văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường. Mục tiêu nhất quán của mọi chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều hướng trọng tâm vào con người, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm nhu cầu tối thiểu nhất của con người là ăn, ở, mặc, học tập, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh và nâng cao thể chất của con người Việt Nam. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Như vậy, Đảng ta đã phát triển thêm một bước tiếp cận mới không chỉ về lý luận mà còn dựa trên tổng kết từ thực tiễn của 35 năm đổi mới và cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Quan điểm nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển, đã làm rõ hơn về chủ thể thụ hưởng quyền con người đó chính là nhân dân. Từ cách tiếp cận này, Đảng ta yêu cầu: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”. Đây là cách tiếp cận mới về quyền con người, hướng tiếp cận này chính là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách phát triển; đây là phương pháp tiếp cận đang được Liên hợp quốc cùng nhiều nước phát triển sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển. Theo đó, trong các chương trình, chính sách phát triển của Đảng ta đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân-nhân dân; lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Nhận thức rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về quyền con người; những thành tựu về thực hiện quyền con người là biện pháp, cơ sở giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ