A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý nghĩa lịch sử trận đánh Sân bay Bạch Mai

 

QPTĐ-Ngày 18/1/1950, diễn ra trận tập kích Sân bay Bạch Mai của Tiểu đoàn 108 (Mặt trận Hà Nội)-một căn cứ không quân quan trọng của Pháp ở Hà Nội. Trận tập là bài học kinh nghiệm về chiến thuật, kỹ thuật, mở đầu cho lối đánh đặc công của bộ đội ta sau này.

Sân bay Bạch Mai thời Pháp thuộc. (Ảnh: Internet)

Sau Chiến dịch Thu Đông 1947, quân ta đã đập tan tham vọng “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch; cục diện cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới. Tháng 9-1949, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội được thành lập. Tiếp theo ít ngày sau, Tiểu đoàn 108 ra đời. Các chiến sĩ của Tiểu đoàn phần lớn là con em nhân dân Hà Nội. 

Khoảng trước ngày 25-12-1949, Tiểu đoàn nhận lệnh: “Đình chỉ việc huấn luyện, Tiểu đoàn trưởng và các cán bộ Đại đội X có mặt tại chỉ huy Sở Mặt trận Hà Nội nhận nhiệm vụ chiến đấu”. Yêu cầu mọi công tác chuẩn bị chiến đấu phải hoàn thành trong vòng 1 tháng, trước 15-1-1950. 

Điều đáng nói, từ cuộc vượt ngục thành công qua miệng đường cống ngầm đã được ngụy trang bảo vệ lại, đồng chí Chu Duy Kính-nguyên là Tư lệnh Quân khu Thủ đô-lúc bấy giờ là Đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Đội Tuyên truyền vũ trang hoạt động bí mật ở Hà Nội (năm 1949 ông bị giặc bắt, rồi đày đi lao động khổ sai ở trại tù Bạch Mai)  đã tìm về Trạm giao liên của Thành ủy Hà Nội khi đó đặt ở chợ Cháy, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội); đề nghị được gặp đồng chí Trần Quốc Hoàn, báo cáo và đề nghị cho đánh Sân bay. Thành ủy Hà Nội giao cho Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội tổ chức tập kích vào Sân bay. Cuối năm 1949, Tiểu đoàn 108, Trung đoàn Thủ đô được lệnh chuẩn bị tấn công Sân bay nhằm làm suy yếu lực lượng không quân địch, giảm khả năng ứng phó của chúng với các chiến trường Đông Dương; tạo niềm tin, sự hứng khởi cho nhân dân nội thành. Phương châm của trận đánh này là “Bí mật, bất ngờ, ít đánh nhiều, hiệu quả cao”.

 Để thực hiện được nhiệm vụ, Tiểu đoàn được tổ chức thành 3 bộ phận tiến công, lựa chọn trong toàn Tiểu đoàn 30 cán bộ, chiến sĩ là đảng viên. Bộ phận chuẩn bị chiến trường, chọn 20 người ở địa phương gần sân bay trinh sát mục tiêu, chuẩn bị khu tập kết xuất phát tiến công và trú quân. Bộ phận bảo vệ đường hành quân và rút quân ngoài vòng tuyến vành đai ngoại thành, tham gia còn có Đại đội 310 phối hợp bảo vệ. Để che mắt địch, thao trường huấn luyện được tổ chức bí mật ở 3 địa điểm trên địa bàn 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Đông) và Lương Sơn (Hòa Bình). Vũ khí được chuẩn bị gồm 30 quả mìn hẹn giờ có sức công phá mạnh, 200 quả lựu đạn trứng đã được thử nghiệm.

14 giờ chiều 17-1-1950 (tức sớm hơn 2 ngày so với dự kiến ban đầu), các đơn vị từ Đình thôn Xẻ Kiều gần Vân Đình-căn cứ xuất phát của bộ đội ngoài vùng tự do kháng chiến-tiến vào đánh Sân bay Bạch Mai. Bộ đội của ta phải vượt một quãng đường gần 30km; hành quân cấp tốc cả ngày lẫn đêm vượt qua 3 tuyến bảo vệ từ xa với mạng lưới tề, điệp dày đặc của địch. Mỗi người được trang bị 1 quả mìn tự tạo, 2 quả lựu đạn và 1 chiếc bánh mì, tất cả bỏ trong bị cói. Mọi người tập kết tại hồ Định Công, bôi bùn đất lấm lem lên người để che mắt lính gác, xoa tỏi để chống chó béc giê, ngậm mứt gừng chống ho, sau đó rẽ lau, lách bèo tây tiến công vào sân bay qua đường cống ngầm.

 Đêm ấy, sương mù dày đặc, đứng cách 3-4m không nhìn thấy nhau. Các chiến sĩ nhanh nhẹn, bí mật vượt qua lớp dây thép gai, hào sâu, ao hồ nối nhau leo lên máy bay đặt mìn chai hẹn giờ, sau đó rút ra khỏi sân bay. Ra khỏi sân bay khoảng 100m, toàn bộ sân bay phát nổ. Kho xăng bốc cháy, cột lửa cao mấy chục mét sáng rực cả bầu trời phía Nam Hà Nội. 

Kết quả, toàn bộ lực lượng không quân vận tải 25 chiếc (gần nửa phần lực lượng không quân vận tải ở chiến trường Đông Dương), gồm Gioongke, Dakôta và một máy bay trinh sát Moran Pôtê bị hủy diệt; khoảng 60 vạn lít xăng bị thiêu hủy; 32 ngàn tấn quân nhu, vũ khí xếp trên máy bay, cùng một số cơ giới bị phá hủy theo.

 Ngay sau trận đánh thắng lợi, Tiểu đoàn 108 đã được Hồ Chủ tịch biểu dương khen ngợi trước Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đang họp chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II; Bộ Tổng Tư lệnh tuyên dương công trạng, tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Tặng danh hiệu “Dũng sĩ phi trường” và thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba cho 37 cán bộ chiến sĩ; Ủy ban Kháng chiến và Hành chính Hà Nội tặng cờ danh dự và đặt danh hiệu “Tiểu đoàn 108, Đột kích-Mặt trận Hà Nội”.

 Với ý nghĩa lớn lao, năm 2000 địa danh Sân bay Bạch Mai được Thành phố cho gắn biển lưu niệm và dựng Đài tưởng niệm ghi dấu trận đánh lịch sử đêm 17 rạng 18-1-1950, tại phía bên phải sân chính của Bảo tàng Quân chủng Phòng không-Không quân.

Cát Tường (t/h)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ