Nhận diện thủ đoạn tinh vi lợi dụng “công nghệ AI” để chống phá Đảng
QPTĐ-Để thực hiện thành công cuộc Cách mạng về “tinh giản bộ máy” trong hệ thống chính trị, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng và Nhà nước ta xác định đột phá vào khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa thành công, giúp Việt Nam hiện thực hóa được các mục tiêu phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Thế nhưng, với dã tâm, âm mưu “diễn biến hòa bình”, bên cạnh việc công kích, bài xích, xuyên tạc những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch, phản động còn lợi dụng “khoa học công nghệ” để chống phá, cụ thể là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là một thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm cần nhận diện để đấu tranh loại bỏ.

Tác hại khi trí tuệ nhân tạo bị lợi dụng
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) là lĩnh vực của khoa học máy tính nghiên cứu và phát triển các hệ thống, có khả năng thực hiện các tác vụ yêu cầu trí thông minh của con người như nhận dạng ngôn ngữ, hình ảnh, xử lý ngữ nghĩa, suy luận lôgic, ra quyết định... AI là công nghệ lõi của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Các hệ thống AI hiện đại nổi bật hiện nay là mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models-LLM), hệ thống deepfake, chatbot tự động, đạt đến trình độ có thể sản xuất văn bản, hình ảnh, video giả mạo rất thuyết phục. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI không chỉ mở ra những cơ hội phát triển vượt bậc cho nhân loại, mà còn đặt ra những thách thức an ninh phi truyền thống vô cùng nguy hiểm, bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể thời gian qua, các thế lực thù địch đã coi AI là một công cụ đắc lực để khuếch tán thông tin sai trái, độc hại, tấn công trực diện vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, gieo rắc hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và nhân dân.
Các thủ đoạn này rất tinh vi, phức tạp và khó nhận diện hơn so với các phương thức chống phá truyền thống. Một số thủ đoạn điển hình, gồm: Thứ nhất là dùng AI để sản xuất và lan truyền tin giả (Fake News) với quy mô công nghiệp. Đây là thủ đoạn phổ biến và nguy hiểm nhất, chúng tận dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để “nhào nặn” lại lịch sử, ý thức hệ. Các LLM như ChatGPT, Claude, Gemini, LLaMA khi không được điều chỉnh nguồn dữ liệu phù hợp có khả năng tự động tạo ra hàng loạt tin tức, bài viết, bình luận giả mạo với nội dung xuyên tạc, bịa đặt về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các nội dung này thường được “gói bọc” tinh vi dưới dạng các bài phân tích, bình luận có vẻ “khách quan”, “đa chiều”, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, lôgic, chặt chẽ, nhưng giả tạo, thậm chí trích dẫn nguồn tài liệu không có thật. Tốc độ sản xuất và khả năng lan truyền các tin giả này trên không gian mạng là cực lớn, gây khó khăn cho việc kiểm chứng và đính chính, dễ dàng tạo ra dư luận tiêu cực, gây hoang mang, dao động trong xã hội. Thứ hai, sử dụng công nghệ Deepfake để bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Deepfake là công nghệ sử dụng AI để tạo ra các video, hình ảnh, âm thanh giả mạo một cách chân thực, khiến người xem khó lòng phân biệt. Các phần mềm AI như DeepFaceLab, FaceSwap, Zao, Synthesia, ElevenLabs... được các thế lực thù địch lợi dụng để tạo ra các video giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những phát ngôn có nội dung sai trái, nhạy cảm, trái với đường lối, quan điểm chính thức, hoặc gán ghép hình ảnh lãnh đạo vào các hoạt động tiêu cực. Mục tiêu của thủ đoạn này là hạ bệ uy tín của lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự nguy hiểm của Deepfake không chỉ giả mạo khuôn mặt, giọng nói mà còn cả ngữ điệu, cử chỉ, khiến việc phát hiện thủ công gần như không thể nào phát hiện được. Thứ ba, với tính năng ưu việt, AI có khả năng phân tích dữ liệu người dùng khổng lồ trên các nền tảng mạng xã hội, như sở thích, quan điểm, lập trường, mối quan hệ, ước muốn... để xác định các “điểm yếu” tâm lý, các nhóm đối tượng dễ bị tác động như thanh niên, sinh viên, người có hoàn cảnh khó khăn, người có nhận thức chính trị chưa vững vàng. Từ đó, các thế lực thù địch thiết kế và triển khai các chiến dịch tuyên truyền, tấn công, nhắm chính xác vào từng nhóm đối tượng với những thông điệp, nội dung được “thêu dệt” riêng biệt, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, bất mãn, kích động tư tưởng chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, để tăng cường độ lan truyền những thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng trên không gian mạng, các thế lực thù địch còn tận dụng tối đa hóa hệ thống bots AI bằng các cách tạo ra hàng ngàn, hàng vạn tài khoản ảo để đồng loạt bình luận, chia sẻ, lan truyền các bài viết có nội dung xuyên tạc, được điều khiển tự động bởi AI (AI-powered botnets) khuếch tán thông tin xấu độc với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng. Các bots này có thể tự động đăng bài, chia sẻ, bình luận, “thả cảm xúc” với các nội dung chống phá, tạo ra các xu hướng giả tạo, dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực, tấn công, khủng bố tinh thần những người có quan điểm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Các thủ đoạn lợi dụng AI không chỉ ảnh hưởng đến một lĩnh vực đơn lẻ mà tác động toàn diện đến nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, gây nhiễu loạn, tạo cảm giác xã hội “bất ổn tư tưởng”, làm giảm sút niềm tin vào hệ thống chính trị, vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, hình thành xu hướng “thờ ơ chính trị”, “phi chính trị”.
Những phương thức “miễn dịch” hiệu quả
Các tác động và nguy hiểm trên tạo ra sự nảy sinh và phát triển các tư tưởng sai trái, lệch lạc, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận CB, ĐV và nhân dân. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động chống phá bằng AI có thể bị đẩy lên cao trào, kích động các hoạt động chống đối, gây rối, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Do đó, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng cần quán triệt và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trọng tâm là nâng cao nhận thức, tăng cường bản lĩnh chính trị và khả năng “miễn dịch” cho CB, ĐV và nhân dân. Đây là giải pháp nền tảng, có ý nghĩa quyết định. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho CB, ĐV và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về bản chất cách mạng, khoa học và giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu khách quan. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, đặc biệt là các thủ đoạn lợi dụng AI, cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để CB, ĐV và nhân dân kịp thời nhận diện tin giả, Deepfake, các luận điệu xuyên tạc; hình thành thói kiểm chứng thông tin từ các nguồn chính thống trước khi tiếp nhận và chia sẻ.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần có nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về tăng cường đấu tranh phòng, chống lợi dụng AI phá hoại nền tảng tư tưởng. Xây dựng thế trận đấu tranh phản bác toàn diện, đa tầng, đa lớp. Nhất là phát huy vai trò tiên phong, chủ lực của các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, minh bạch, làm chủ dòng thông tin chủ đạo. Xây dựng lực lượng nòng cốt là báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng 47 của Ban Chỉ đạo 35 có kỹ năng, phương pháp đấu tranh hiệu quả trên không gian mạng. Tổ chức các bài viết, tuyến bài có chất lượng, có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc để vạch trần bản chất phản động, phản khoa học của các luận điệu sai trái, thù địch. Sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh đa dạng, như bài viết, infographic, video clip ngắn, diễn đàn trực tuyến.... tổ chức phát động các phong trào thi đua, khuyến khích CB, ĐV và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội. Đồng thời, không chỉ dừng lại ở việc phòng ngừa, việc chủ động khai thác AI và các công nghệ tiên tiến khác là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh. Cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp AI nhằm tự động rà soát, phát hiện sớm các loại tin giả, Deepfake thông qua việc xây dựng các mô hình có khả năng phân tích văn bản, hình ảnh và video để nhận diện những dấu hiệu bất thường, các nội dung bị làm giả với độ chính xác cao, kịp thời xử lý các vụ việc khủng hoảng truyền thông do tin giả, Deepfake của AI gây ra.
Nguyễn Văn Tuân