A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vạn Phúc-Làng cách mạng kiên cường

 

QPTĐ-Trong không khí kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi có mặt tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội-nơi nuôi giấu, tổ chức đưa đón, bảo vệ an toàn cán bộ của Đảng; Xứ uỷ Bắc kỳ họp phiên khẩn cấp, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn Xứ. Đồng thời, là nơi đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 16-8-1945; cũng là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc.… Phát huy truyền thống cách mạng, Vạn Phúc hôm nay luôn là địa bàn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng thay da, đổi thịt, góp phần quan trọng xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, thanh lịch.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc-Nơi Bác từng ở và làm việc trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho LLVT địa phương.

Nơi đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi

Từ lâu, nhân dân Vạn Phúc, Hà Đông đã sớm có nghề canh cửi nổi tiếng về dệt lụa, dệt gấm ở vùng Đồng bằng Bắc bộ. Địa bàn Vạn Phúc gần Hà Nội (trước đây), liền kề với tỉnh lỵ Hà Đông. Ngay từ khi thành lập Chi bộ (26-7-1938), Vạn Phúc đã trở thành cơ sở vững chắc, một làng cách mạng kiên cường, nhất là từ khi Xứ ủy Bắc kỳ ở ATK (An toàn khu) ở vùng Nam Hoài Đức chuyển về. Tháng 10-1944, Xứ ủy Bắc kỳ chuyển về Hà Đông. Lần chuyển này, Xứ ủy quyết định lấy một vùng tương đối rộng, trong đó có địa bàn Vạn Phúc tiếp tục chọn làm nơi liên lạc, đón và là địa điểm nằm chờ của cán bộ từ các vùng về liên lạc với Xứ ủy, nơi tổ chức Hội nghị của mọi Xứ.

Thực hiện lệnh của Xứ ủy, 7 giờ tối ngày 16-8, Chi bộ Vạn Phúc họp Hội nghị tại nhà đồng chí Hà Xuân Tý-Tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ bàn nhiệm vụ khởi nghĩa. Hội nghị Chi bộ quyết định quản thúc những phần tử phản động. Đối với những người trong bộ máy hào lý tổ chức thu triện bạ, sổ sách, giải thích chủ trương của cách mạng rồi cho về nhà.

Là địa phương kề sát với thị xã Hà Đông, nơi đầu não bộ máy cai trị cấp tỉnh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Vạn Phúc diễn ra đúng thời cơ, hành động kiên quyết, tuyệt đối bí mật, giành thắng lợi vẻ vang. Chính quyền tay sai của thực dân Pháp trước đây và sau ngày 9-3-1945 là phát xít Nhật đã bị xóa bỏ. Trong không khí thiết quân luật, Vạn Phúc bề ngoài im ắng nhưng bên trong rất sôi sục, khẩn trương. Tự vệ canh gác, sẵn sàng chiến đấu. Đội võ trang tuyên truyền chuẩn bị treo cờ, căng khẩu hiệu, Chi bộ hội ý kiểm điểm việc đã làm và phân công cán bộ làm công tác chuẩn bị cho cuộc mít tinh ra mắt Chính quyền cách mạng. Mọi công việc tiến hành nhanh gọn, bí mật và hiệu quả…

Nơi Bác Hồ về ở và làm việc 

Theo chân đồng chí Đỗ Văn Long, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Vạn Phúc, chúng tôi có mặt tại nhà Nhân chứng lịch sử Nguyễn Thực, Tổ dân phố Quyết Tiến, phường Vạn Phúc. Thời điểm Vạn Phúc cướp chính quyền, ông Nguyễn Thực mới 16 tuổi, được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Thiếu niên Cứu quốc bí mật (thuộc Tổ chức Mặt trận Việt Minh của xã, gồm 6 người), chia làm hai nhóm chốt ở cửa làng phía cầu Am và cửa chùa; cơ động, chỉ đường cho cán bộ đi vào các cơ sở cách mạng (2 người). Ngày 2-9, ông cùng vài người bạn đi bộ ra Ba Đình “do hôm ấy rất đông nên chúng tôi không đến được gần nhưng vẫn nghe thấy tiếng Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tối hôm ấy, kỷ niệm sự kiện khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làng tôi có chương trình Văn nghệ, tôi may mắn được tham gia một vai nhỏ trong đó”, ông Thực bồi hồi. 

Ngoài những hồi ức về những ngày hoạt động cách mạng năm 1945, ông còn nhớ một sự kiện rất quan trọng, đó là khi Bác Hồ về ở và làm việc tại Vạn Phúc. Ông biết rất rõ những ngày Bác về ở và làm việc tại Vạn Phúc, bởi ông Nguyễn Phúc Khánh (Lão thành cách mạng, 1 trong 6 Bí thư chi bộ đầu tiên của Vạn Phúc) dưới sự chỉ đạo của ông Trần Đăng Ninh trực tiếp tìm căn gác cho Bác Hồ ở, chính là anh rể của ông. Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Dương, xóm Đoàn Kết (giờ là tổ dân phố)-chủ ngôi nhà Bác ở là anh con bác của ông Thực.

“Những ngày cuối tháng 12-1947, tình hình ở Hà Nội rất căng thẳng. Đồng chí Trần Đăng Ninh gặp ông Nguyễn Phúc Khánh hội ý và giao cho ông tìm một nơi đón Bác Hồ về ở và làm việc. Song nơi ở đó phải đáp ứng được các yêu cầu: Bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối; có điều kiện ăn ở, đi lại thuận tiện và có thể theo dõi sát tình hình diễn biến hàng ngày ở Hà Nội để chỉ đạo đối phó kịp thời. Đặc biệt, Vạn Phúc chỉ cách Hà Nội 12 km, sát thị xã Hà Đông-nơi có Trụ sở Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh, có đường ô tô và điện thoại, căn cứ với các tiêu chí trên thì rất phù hợp. Khoảng 7 giờ tối ngày 13/12/1946, sau khi làm việc ở Hà Nội, Bác về nhà ông Dương. Bà Thanh (giúp việc của Bác) xuống nói với bà Trang (vợ ông Dương): “Cụ nhờ gia đình cho ăn cơm tối vì làm việc xong ở Hà Nội, “Cụ” về thẳng đây nhưng đề nghị gia đình có sẵn gì ăn nấy, đừng mổ gà, “Cụ” sẽ không ăn đâu”. Những ngày ở Vạn Phúc, bà Thanh nấu nướng cho bác. Để đảm bảo bí mật thì gạo, rau gia đình cung cấp, còn thức ăn do tỉnh lo. Trong thời gian tại đây, Bác Hồ đã làm việc miệt mài.

Đêm 17 rạng 18 và đêm 18 rạng ngày 19/12/1946, Thường vụ Trung ương họp tại đây (với sự chủ trì của Bác), vạch ra đường lối kháng chiến. Khoảng 6 giờ 30 chiều cùng ngày, Bác rời nhà ông Dương chuyển về Xuyên Dương, một làng ven sông Đáy, thuộc huyện Quốc Oai, sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu ở Hà Nội. Trước khi đi, Bác đã chỉ thị cho anh Kỳ mang ít bánh kẹo chia cho các cháu, con ông Dương. Lúc đó cả nhà mới biết đó là Bác Hồ. Ông Dương hỏi Bác: 

- Thưa “Cụ”, Cụ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nhưng “thằng” Pháp nó có súng đại bác, máy bay, vũ khí hiện đại thế còn ta không có, làm sao đánh thắng được ạ? 

- Bác nói: Chú yên tâm, ta “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”-đó cũng chính là tên Bác đặt cho những đồng chí thân tín”. 
Ngôi nhà Bác về làm việc từ 3-19/12 tại Vạn Phúc năm ấy hiện vẫn được lưu giữ và trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Công việc xây dựng Nhà lưu niệm được tiến hành năm 1973 và khánh thành 1974.

Trần Hiền
 (Ghi theo Nhân chứng lịch sử Nguyễn Thực)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ