A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viện Khoa học Công nghệ quân sự

Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu của Quân đội

 

QPTĐ-Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù đã qua nhiều lần đổi tên và có những biến động về cơ cấu tổ chức song Viện Khoa học Công nghệ quân sự (KHCNQS) luôn là cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự đa ngành hàng đầu của Quân đội; đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…; đặc biệt, hiện Viện còn là trung tâm đào tạo sau đại học uy tín của quân đội.

Viện Khoa học Công nghệ quân sự đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba năm 2015.

Viện KHCNQS-Quá trình xây dựng và trưởng thành

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 12/10/1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 470/BQP thành lập Cục Nghiên cứu kỹ thuật (tiền thân của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự ngày nay). Trải qua 60 năm, Viện đã có nhiều dấu mốc quan trọng: Từ Cục Nghiên cứu Kỹ thuật đến năm 1969 đổi tên là Viện Kỹ thuật quân sự. Năm 1999, Trung tâm KHKT-CNQS được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số Viện kỹ thuật khác thuộc BQP vào Viện Kỹ thuật quân sự. Năm 2008, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự được đổi tên thành Viện KH-CNQS/BQP cho đến nay. 

Trong kháng chiến chống My, cứu nước, mặc dù còn non trẻ song đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã bám sát chiến trường, tiên phong nghiên cứu, làm chủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại do Liên Xô và các nước viện trợ; tổ chức nghiên cứu vũ khí và cách đánh của địch, đề xuất nhiều giải pháp vô hiệu hóa, phòng tránh, đánh trả có hiệu quả; nghiên cứu, thiết kế chế tạo nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, phù hợp với cách đánh của ta…, góp phần cùng quân-dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thời gian này, Viện có nhiều giải pháp kỹ thuật sáng tạo góp phần bảo đảm thông suốt cho các tuyến đường vận tải chiến lược trên bộ, trên biển; cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, làm tăng sức mạnh và hiệu quả chiến đấu của quân và dân ta, giáng những đòn sấm sét xuống đầu Mỹ-Ngụy, như: Thiết bị cải tiến phóng tên lửa A12, H6, H12; thủy lôi đáy với ngòi nổ áp suất APS…; tìm ra những giải pháp chống máy bay bay thấp bằng bóng khinh khí cầu; nghiên cứu, thiết kế các thiết bị rà phá thuỷ lôi, bom từ trường, các loại bom “tinh khôn”, vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara… 

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ, năm 1972, thực hiện chỉ lệnh của cấp trên, các nhà khoa học của Viện cùng với Quân chủng Phòng không-Không quân khảo sát, nghiên cứu tìm ra giải pháp chống nhiễu để đánh máy bay B52, làm nên trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ đối với miền Bắc XHCN. 

Từ năm 1979, theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ, Viện đã cử nhiều đoàn với hàng trăm cán bộ mang khí tài điều khiển nổ từ xa (ĐK-1, ĐK-4), rađa trinh sát chấn động, máy thông tin, tên lửa A70, C24… tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới.

Những năm gần đây, bám sát thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, Viện tập trung tham mưu có hiệu quả cho QUTW, BQP về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự; đề xuất, tổ chức nghiên cứu thành công, ứng dụng hàng trăm đề tài, dự án trên 4 hướng cơ bản: Một là, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật mới phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Hai là, nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa và sửa chữa, tăng hạn các loại vũ khí trang bị hiện có trong quân đội. Ba là, nghiên cứu, giúp các quân, binh chủng, nhất là Quân chủng Hải quân và Phòng không-Không quân khai thác, làm chủ các hệ thống VKTBKT hiện đại, công nghệ cao mới được trang bị. Bốn là, nghiên cứu, sản xuất các linh kiện, vật tư thay thế, công nghệ bảo quản, bảo dưỡng đối với các hệ thống VKTBKT hiện có trong quân đội; nghiên cứu các sản phẩm đảm bảo đời sống, sức khỏe cho bộ đội trong huấn luyện, SSCĐ, nhất là trong điều kiện hoạt động quân sự đặc biệt…

Trong những năm qua, Viện đã thực hiện hàng trăm đề tài, nhiệm vụ các cấp, đa số các đề tài, nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ, đạt kết quả tốt, qua đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thực tiễn và hàm lượng KHCN cao, được đưa vào ứng dụng phục vụ nhu cầu huấn luyện, diễn tập, SSCĐ của các đơn vị trong toàn quân. Các sản phẩm tiêu biểu mà Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo có thể kể đến: Vũ khí phá vật cản mở cửa cho bộ binh; bộ thiết bị điều khiển nổ từ xa; hệ thống bia ẩn hiện, vận động điều khiển từ xa; hệ thống CNTT ứng dụng trong tổ chức, điều hành diễn tập chỉ huy-cơ quan cấp trung, sư đoàn trên bản đồ số; các loại thiết bị quan sát đêm ảnh nhiệt.

Một số hệ thống VKTBKT mà Viện đã tiến hành nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa đó là: Các đại đội Pháo phòng không bán tự động, tự động tác chiến ngày và đêm trang bị cho bộ đội Phòng không-Không quân và phòng không lục quân; ra đa cảnh giới biển; ra đa chỉ thị mục tiêu trên tàu; các loại tên lửa phòng không tầm thấp… Bên cạnh đó, Viện triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trắc, bảo vệ môi trường, xử lý các chất độc tồn dư sau chiến tranh và ứng phó với biến đổi khí hậu... 

Gắn kết công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị trung tâm là nghiên cứu khoa học, bắt đầu từ năm 1979 Viện được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học với 3 chuyên ngành đào tạo. Hiện nay, Viện KH-CNQS được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ với 13 chuyên ngành. Với đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, có uy tín và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư, nhất là các phòng thí nghiệm chuyên dụng, hiện đại của đơn vị, những năm vừa qua, Viện đã tiếp nhận, đào tạo hàng trăm nghiên cứu sinh cho cả trong và ngoài quân đội. 

Từ năm 1979 đến nay, Viện đã đào tạo được 270 tiến sĩ (trong đó có hơn 100 tiến sĩ là cán bộ quân đội); từ năm 1994-2010, Viện đào tạo được 113 thạc sĩ, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ chủ chốt, nhà khoa học có chuyên môn và uy tín cao trong các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang. Viện cũng đã đẩy mạnh các nội dung đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, kiến thức liên ngành cho cán bộ khoa học kỹ thuật trực tiếp khai thác, đảm bảo kỹ thuật cho VKTBKT mới của các Tổng cục, Quân chủng, Binh chủng. Công tác đào tạo luôn gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ đắc lực công tác nghiên cứu khoa học.

Với những kết quả và thành tích đạt được, chỉ tính riêng từ năm 1986 đến nay, Viện được tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều huân chương các loại; hàng trăm tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Nhiều công trình, đề tài, sản phẩm của Viện đã được Nhà nước, các bộ, ban, ngành khen thưởng. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (12/10/1960-12/10/2020), tháng 9/2020 Viện KH-CNQS vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiền Mĩ-Bạt Luân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ