A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng văn hóa đọc ở các cơ quan, đơn vị

 

QPTĐ-Sách luôn được xem là sản phẩm văn hóa tinh thần bổ ích đối với cán bộ, chiến sĩ khi cung cấp tri thức, nâng cao khả năng tư duy, rèn luyện nhân cách, tính giải trí cao... Để văn hóa đọc trong quân đội ngày một nâng cao, phát huy hiệu quả thiết thực, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp khuyến khích cán bộ, chiến sĩ đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong đơn vị.

Phòng Hồ Chí Minh Tiểu đoàn KSQS 103 là địa chỉ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ.

Đã thành nền nếp, thói quen, sau mỗi giờ huấn luyện hay vào các ngày nghỉ cuối tuần, đông đảo cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn KSQS 103 lại đến phòng Hồ Chí Minh để đọc sách, báo, tài liệu. Thực hiện theo đúng quy định của điều lệnh quản lý bộ đội, các chiến sĩ không sử dụng điện thoại nên sách, báo, tạp chí là món ăn tinh thần bổ ích, ý nghĩa đối với họ. Hệ thống sách, báo ở đây được bố trí, xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, dễ tra cứu theo từng chuyên mục đã phần nào cho thấy sự quan tâm đến văn hóa đọc cũng như ý thức xây dựng môi trường văn hóa của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. 

Binh nhất Nguyễn Nam Thành, Trung đội 4, Đại đội 2 là một trong những độc giả quen thuộc của phòng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ngoài đọc báo, tôi thường tìm đọc truyện ngắn hay những quyển hồi ký của những vị tướng trong Quân đội. Khi đọc sách báo, mình hiểu biết nhiều hơn, tư duy hơn và được thư giãn hơn, giúp ích cho bản thân trong học tập, công tác”.

Không chỉ riêng Tiểu đoàn KSQS 103, ở nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đi đôi với xây dựng phong trào đọc sách, các cơ quan, đơn vị còn chú trọng xây dựng con người văn hóa bằng những việc làm thiết thực như: Thực hiện nghiêm lễ tiết, tác phong, xưng hô, chào hỏi, giải quyết các mối quan hệ đúng điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội; xây dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương, trách nhiệm giữa chỉ huy với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với chiến sĩ và giữa quân nhân với nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, phong trào đọc sách, báo của cán bộ, chiến sĩ không những được thực hiện tại phòng đọc của đơn vị, mà còn được duy trì trong các giờ nghỉ. Việc đọc sách luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm đúng mức, kịp thời định hướng cho bộ đội tìm đọc các nội dung bổ ích, kịp thời nắm bắt thông tin, trang bị kiến thức quân sự, chính trị, pháp luật, đời sống, qua đó, xây dựng cho bộ đội có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, không để thông tin xấu độc xâm nhập, tác động vào đơn vị.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thúy, phụ trách Thư viện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, hiện nay Thư viện có hàng chục nghìn đầu sách, báo, tạp chí với nội dung đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều ấn phẩm quý mang tính giáo dục cao về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, pháp luật cho đến những loại sách văn học của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu đọc, học tập, nghiên cứu, giải trí của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh phục vụ độc giả ngay tại các phòng đọc, Thư viện còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức trưng bày, triển lãm sách. Ngoài ra, văn hóa đọc còn đến với từng cơ quan, đơn vị cơ sở dưới dạng “Ngày hội đọc sách” hay qua các phong trào “Mỗi tuần một cuốn sách”, giao lưu với tác giả, tác phẩm kết hợp lồng ghép các hoạt động, sinh hoạt chính trị, tư tưởng. 

Thực tế cho thấy, phong trào đọc sách luôn nhận được sự hưởng ứng, quan tâm, trở thành “người bạn” thân thiết của cán bộ, chiến sĩ. Một nét độc đáo lan tỏa văn hóa đọc ở Bộ Tư lệnh là các “Hộp sách, báo thao trường”, “Cặp báo thao trường” được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ ở ngay cấp Trung đội. Đó là chiếc tủ nhỏ đựng sách, báo do Trung đội trưởng trực tiếp quản lý; sách, báo được thay đổi hằng ngày và phân công chiến sĩ mang theo khi đi huấn luyện. Nhờ đó, mọi cán bộ, chiến sĩ có thể đọc sách, báo ngay trên thao trường, bãi tập trong những giờ nghỉ giải lao.

Có thể khẳng định, với sự đa dạng, phong phú của kho tàng sách, báo, tạp chí đã đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự, học tập, nghiên cứu cũng như giải trí của bộ đội, góp phần tạo sự gắn kết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, thiết thực xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh ở cơ quan, đơn vị. Từ những tri thức sách, báo đem lại, các cơ quan, đơn vị đã vận dụng linh hoạt để giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội; đồng thời, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ tìm đọc những cuốn sách có giá trị, nhất là các đầu sách về pháp luật, truyền thống Quân đội, truyền thống đơn vị… từ đó xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tạo thêm động lực phấn đấu, rèn luyện, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với những mô hình mới, cách làm hay, việc thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong các cơ quan, đơn vị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã được triển khai nghiêm túc, sát đối tượng, phù hợp thực tiễn, mang lại hiệu quả cao, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, thúc đẩy tinh thần đọc sách, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bộ đội.

Ý Nhi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ