Phát huy truyền thống nâng tầm giá trị nhân văn
QPTĐ-Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và của Quân đội, ngày 26/2/1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục (nay là Tổng cục Chính trị) và Ban Thương binh ở các Khu được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời của cơ quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thương binh-liệt sĩ và công tác chính sách đầu tiên trong cả nước. Sự hình thành và phát triển của công tác chính sách trong quân đội gắn liền với sự ra đời, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sư đoàn Bộ binh 301 khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.
Ra đời trong khói lửa chiến tranh, được thử thách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành Chính sách Quân đội đã từng bước trưởng thành lớn mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp trên ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội (HPQĐ). Nổi bật là, đã tham mưu cho Chính trị Cục tổ chức thành công Ngày Thương binh-liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947); khởi xướng và thực hiện tốt phong trào đưa thương binh về làng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; làm tốt công tác động viên, khen thưởng chiến trường, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với đó, Ngành đã tham mưu, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và chỉ đạo tổ chức chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, đề xuất chính sách quản lý, chăm sóc gia đình quân nhân ở hậu phương (chính sách B, C, K)… Nhờ đó, mà trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã động viên được lực lượng lớn sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, viết lên truyền thống “Đoàn kết, tận tụy, chủ động, sáng tạo” mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong những năm chiến tranh biên giới, ngành Chính sách đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, giúp Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho quân nhân hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trở về hậu phương; đề xuất thực hiện chủ trương khen thưởng cho các đối tượng có thành tích trong các cuộc kháng chiến, phối hợp tổ chức nuôi dưỡng, cứu chữa hàng vạn thương, bệnh binh từ các chiến trường chuyển ra, tập trung giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh bảo đảm đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Ngành cũng đã đề xuất chính sách bảo đảm ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia. Qua đó, góp phần động viên toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Quân đội, từng bước ổn định hậu phương sau chiến tranh.
Đối với Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, phát huy truyền thống 74 năm “Đoàn kết, tận tụy, chủ động, sáng tạo” của ngành chính sách Quân đội, đã thực hiện tốt chức năng, tích cực chủ động tham mưu với Đảng ủy Bộ Tư lệnh, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cấp ủy, người đứng đầu các cấp về thực hiện công tác chính sách hậu phương quân đội và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; hướng dẫn, giải đáp các chế độ, chính sách để mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chế độ, chính sách mới ban hành.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách HPQĐ, chăm sóc cán bộ quân đội đã nghỉ hưu; hỗ trợ gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức có hiệu quả các hoạt động: “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”; đẩy mạnh chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, các hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc đối với người có công, giải quyết việc làm cho con thương binh nặng... góp phần tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu rộng, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng với chế độ, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TUÂN VĂN