A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm chỗ yếu của địch để đánh thắng

QPTĐ-Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi có dịp gặp Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng Không- Không quân. Trong Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, ông chỉ huy đồng đội bắn rơi 4 máy bay B-52.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt sinh năm 1938 tại xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông nhập ngũ tháng 2/1960, từ một chiến sĩ radar thuộc Đại đội 12, Trung đoàn Radar 290, Bộ Tư lệnh Phòng không đến năm 1965, ông được lựa chọn là số ít học viên đi học chuyển loại binh chủng tên lửa phòng không tại Liên Xô. Về nước năm 1966, ông được biên chế làm sĩ quan điều khiển, Tiểu đoàn 93, Trung đoàn 278, Quân chủng Phòng không - Không quân. Chiến công đầu tiên của ông và đơn vị chính là việc bắn hạ một máy bay F-105 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc ngày 22/10/1966. Năm 1972, ông được Trung đoàn phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 57.

Double commanĐội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ, cùng loại nhiễu “giả B-52” để đánh lừa bộ đội ta. Các máy bay tác chiến điện tử phát nhiễu tạo một vùng nhiễu rộng ngụy trang cho lực lượng máy bay vào đánh phá. Mỗi khi có máy bay B-52 là tất cả hệ thống thông tin không bắt được sóng…".

 

Ở tuổi 85, nhưng ông vẫn minh mẫn, nhớ như in những thời khắc lịch sử 12 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội. Ông tâm sự: Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối năm 1972 là một chiến dịch có qui mô lực lượng tác chiến đối kháng trên không gian lớn nhất từ sau thế chiến thứ II và là một chiến dịch có không gian tác chiến rộng chưa từng có ở Việt Nam, gồm toàn bộ không phận ở miền Bắc, trong đó Hà Nội là điểm tựa phòng ngự cuối cùng và quyết định thắng bại giữa ta và địch. Chọn B-52 làm đối tượng tác chiến chủ yếu để tiêu diệt là ta đã chọn đối tượng mạnh nhất trong lực lượng răn đe chiến lược, một thần tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ, cùng loại nhiễu “giả B-52” để đánh lừa bộ đội ta. Các máy bay tác chiến điện tử phát nhiễu tạo một vùng nhiễu rộng ngụy trang cho lực lượng máy bay vào đánh phá. Mỗi khi có máy bay B-52 là tất cả hệ thống thông tin không bắt được sóng…

Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.

Để chiến thắng được B-52, Quân chủng Phòng không nghiên cứu hiểu rõ B-52 để có cách đối phó với chúng hiệu quả như việc thực hiện chống nhiễu, phá vỡ hệ thống bảo vệ mạnh của địch, tách chúng ra để tiêu diệt B-52; cải tiến khí tài; nắm được quy luật chọn đường bay của địch…từ đó ta xây dựng phương án đánh và bố trí lực lượng chiến dịch cho phù hợp. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, trong 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, bộ đội tên lửa đã vận dụng kinh nghiệm bao năm chống chiến tranh phá hoại để xác định đường bay của chúng, nên cho dù lực lượng của chúng ta ít, nhưng đã bố chí lực lượng hợp lý, linh hoạt, có tập trung vào hướng mục tiêu chủ yếu. Nghĩa là, cũng trên đường bay đó, có khi ta chỉ bố trí một tiểu đoàn đánh trên từng đoạn, có khi nhiều tiểu đoàn đánh rải trên đường bay. Như thế, ta vừa tổ chức đánh địch phân tán, vừa đánh địch tập trung, đây cũng là chiến thuật bố trí và sử dụng lực lượng độc đáo của bộ đội tên lửa ta trong chiến dịch, góp phần rất lớn trong việc đánh bại cuộc tập kích đường không của địch tháng 12 năm 1972.

Trận đánh mà ông không thể quên được đó là đêm 20, rạng sáng 21/12/1972, khi đạn dược thiếu thốn, ông cùng đồng đội đã mưu trí chiến đấu, dùng những quả đạn cuối cùng để tiêu diệt 2 máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Nhớ lại kỷ niệm trận chiến đấu năm đó, vị tướng già chia sẻ:  Lúc 4h30 ngày 21/12, Tiểu đoàn 57 được lệnh vào chiến đấu cấp 1, cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị phải tiêu diệt tốp B-52 đánh vào khu vực Yên Viên. Tình hình lúc này, chúng tôi chỉ còn 3 quả đạn trên bệ, tôi xin cấp trên cho đơn vị đánh từng quả một để tiết kiệm đạn, vì theo điều lệnh 2, 3 quả đạn đánh một tốp B-52, nếu chúng tôi mà đánh như vậy thì sẽ không còn đạn để đánh tiếp. Được sự đồng ý của cấp trên, tôi trực tiếp chỉ huy kíp chiến đấu (gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên, trắc thủ Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch, Nguyễn Xuân Đài) quyết tâm đạn phóng đi không uổng phí. Tốp B-52 đầu tiên vào đến cự ly 35km trong tầm sát thương, tôi hạ lệnh phóng quả đạn thứ nhất, nhưng đạn hỏng không đi. Lập tức, tôi ra lệnh phóng quả 2 đánh trúng B-52 ở cự ly 25km, cấp trên thông báo máy bay rơi xa.

Trên bệ phóng trận địa chỉ còn duy nhất một quả đạn, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 quyết tâm tiêu diệt máy bay địch. Sau khi máy bay địch vào cự ly sát thương hiệu quả, chúng tôi lệnh phóng đạn. Đạn nổ ở cự ly 24km bắn cháy thêm một B-52 rơi tại chỗ ở địa phận núi Đôi. Như vậy chỉ có 10 phút bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52. Phát huy chiến thắng đó, rạng sáng 22/12, từ trận địa thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội), Tiểu đoàn 57 bắn 2 quả tên lửa, tiêu diệt thêm một B-52 nữa rơi xuống Chợ Bến, Hòa Bình…

 Qua 12 ngày đêm chiến đấu, với lòng căm thù những tội ác mà không quân Mỹ gây ra, quân và dân ta anh dũng, kiên cường, quả cảm, mưu trí, sáng tạo đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 với quy mô ồ ạt chưa có trong lịch sử thế giới vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số mục tiêu quan trọng của miền Bắc. Kết thúc chiến dịch, quân và dân miền Bắc bắn rơi tổng số 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F-111. Tiểu đoàn 57 do ông Phiệt chỉ huy là một trong số 2 Tiểu đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất, mỗi Tiểu đoàn bắn rơi 4 chiếc. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước khi về nghỉ hưu, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân.

Phúc Nguyên

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ