Khởi nghĩa Nam Kỳ-Mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc
QPTĐ-Sau khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, nhân dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích áp bức của Pháp-Nhật. Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, được sự cổ vũ mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam bộ sục sôi khí thế cách mạng quyết đứng lên tranh đấu giành chính quyền.
Tháng 11 năm 1939, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI họp tại Hóc Môn-Bà Điểm, Sài Gòn đề ra chủ trương “Cách mạng giải phóng dân tộc” bằng hình thức “bạo động” để giành chính quyền. Đầu năm 1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã vạch ra đề cương chuẩn bị bạo động, đưa ra các hoạt động tự phát vào phong trào chống thực dân Pháp và tay sai dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tháng 11 năm 1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII nhận định: Điều kiện ở Nam Kỳ và cả nước chưa chín muồi, vì vậy đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa, sau đó Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu quay trở về để hoãn cuộc khởi nghĩa. Sau khi về đến Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu bị địch bắt. Trong thời điểm đó Xứ ủy Nam Kỳ đã phát lệnh khởi nghĩa khắp nơi không thể thu hồi.
Tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ bất diệt. (Ảnh: Tư liệu)
Đáng tiếc hơn nữa, kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã phần nào bị địch đánh hơi thấy trước ít ngày. Tối ngày 22/11/1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy mới thay đồng chí Võ Văn Tần đã bị bắt từ ít tháng trước và một số đồng chí khác trong Thành ủy Sài Gòn sa lưới mật thám. Pháp ra lệnh cấm trại binh lính người Việt và tước vũ khí của số người có ý định phản chiến. Kế hoạch định lấy tiếng súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940 làm súng lệnh đã không thành công.
Đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra khí thế mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có. Khắp vùng nông thôn Nam bộ rung chuyển, cụ thể: Từ Biên Hòa đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền. ở Mỹ Tho, 54 trong số 56 xã được giải phóng. Tại Hóc Môn (Gia Định) cách Sài Gòn 20km, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mười Đen-Xứ ủy viên, du kích vây đồn, chặn đánh địch tiếp viện ở Cầu Bông, giết tên ác ôn chánh xứ tỉnh Tây Ninh và một số lính, thu 15 súng rồi kéo lên Truông Mít (Tây Ninh). Ở Cần Giuộc, Bến Lức, Long An đội du kích của đồng chí Nguyễn Thị Bảy đã làm cho bọn địch kinh sợ phải gọi chị là "Bà Chúa Đỏ". Ở Vũng Liêm (Vĩnh Long), đội du kích và quần chúng chiếm đồn địch trong 3 ngày, làm chủ quận lị. Ở Mỹ Tho, hàng ngàn du kích do Bí thư tỉnh ủy chỉ huy bức rút 2 đồn, phá hoại gần 10 km đường bộ, 14 cầu, ngăn 6 con sông, bóc đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho. Ngày 14 tháng 12 năm 1940, địch phải dùng thủy, lục, không quân tiến công Mỹ Tho nhưng mãi đến ngày 14 tháng 1 năm 1941 chúng mới chiếm lại được và đẩy du kích vào Đồng Tháp Mười…
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dập tắt, giặc Pháp điên cuồng đàn áp, khủng bố rất khốc liệt, dã man. Chỉ trong 40 ngày, riêng bốn tỉnh Gia định, Mỹ Tho, Long Xuyên và Cần Thơ có tới 5.640 người bị giặc lấy dây thép xâu tay rồi phơi nắng cho đến chết khô, hoặc chất lên sà lan đưa ra biển nhấn chìm. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã bị giặc Pháp giết. Tấm gương hy sinh dũng cảm của các đồng chí mãi mãi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương chia lửa với Nam Kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khóa, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống ngăn quân thù đàn áp.
Khởi nghĩa Nam kỳ là trang sử oanh liệt của miền Nam “đi trước về sau” trên suốt chặng đường cách mạng của đất nước. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa là hiệu kèn giải phóng hùng dũng báo hiệu thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khởi nghĩa Nam Kỳ như một tấm gương sáng chói về tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Qua trận thử lửa này, quần chúng càng gắn bó với Đảng, càng tôi luyện chí khí cách mạng, củng cố nhận thức là con đường sống duy nhất của dân tộc là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập, tự do.
NGUYỄN VĂN TUÂN
(Theo tài liệu Lịch sử quân sự Việt Nam)