A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông nghiệp sinh thái bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

QPTĐ-Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, từ kỷ nguyên giành độc lập tự do từ năm 1945, kỷ nguyên Đổi mới từ năm 1986 và kỷ nguyên mới hiện nay đều cho thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam chính là nền tảng, động lực để phát triển đất nước. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ dựa vào quá trình chuyển đổi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kỷ nguyên mà nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong, nòng cốt. 

Nông nghiệp sinh thái thúc đẩy cả ba khía cạnh của phát triển bền vững xã hội-kinh tế và môi trường. Ảnh: Internet.

 

Nghị quyết số 19, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Trong xu thế của thế giới hiện nay sẽ tiếp tục có nhiều thách thức về thiên nhiên, khí hậu. Đồng thời còn có những xung đột, cạnh tranh giữa các quốc gia về lương thực, thực phẩm. Tất cả các loại nông sản và vật liệu, tài nguyên và nhân lực lao động đều lên giá, thị trường sẽ mở ra rộng lớn vừa là cơ hội nhưng kèm theo thách thức không hề nhỏ.

Tại cuộc họp “Diễn đàn Đối tác chuyển đổi nông nghiệp sinh thái-Agroecology TPP năm 2025” diễn ra từ ngày 31/3 đến 2/4/2025 tại Hà Nội, Việt Nam cam kết về một nền nông nghiệp bền vững và đang đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái. Với khát vọng trở thành Trung tâm Đổi mới lương thực, thực phẩm của châu Á, Việt Nam là một điểm hẹn lý tưởng cho thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á. Diễn đàn này đã quy tụ các đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nông dân và những người hoạch định chính sách từ quốc tế cùng chung tay vì mục tiêu tăng tốc tiến trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Thế giới cần những giải pháp mang tính hệ thống như Nông nghiệp sinh thái và Nông lâm kết hợp để giải quyết các thách thức, đưa ra những phương án tương thích với những thách thức như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đứt gãy hệ thống lương thực thực phẩm cũng như xói mòn đất và ô nhiễm nguồn nước.

Tính ưu việt của nông nghiệp sinh thái

Nông nghiệp sinh thái tạo sự tương thích giữa cây trồng, vật nuôi với các điều kiện kinh tế-xã hội ở từng địa phương, từng quốc gia; thậm chí liên quốc gia và toàn cầu. Do đó, đối tượng tác động của con người trong nền nông nghiệp sinh thái không chỉ dừng lại ở đất đai, cây trồng, vật nuôi riêng biệt mà là tổng hòa hệ thống sinh vật-sinh thái. Đặc biệt, nông nghiệp sinh thái không chỉ tạo ra sản phẩm của cây trồng, vật nuôi mà còn tạo lập môi trường sinh thái phát triển hài hòa, tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho nông nghiệp phát triển ổn định, lâu bền, cảnh quan sinh thái sạch, đẹp cho cuộc sống con người và bảo vệ gen trong quá trình đa dạng sinh học.

Nông nghiệp sinh thái bảo đảm đạt được năng suất, chất lượng và sản lượng cao nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu nhiều mặt của toàn xã hội về sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp sinh thái tạo ra các sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao, an toàn. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp dưới dạng lương thực, thực phẩm thể hiện ở mức độ bảo đảm dinh dưỡng, giàu vitamin và hàm lượng protein cao. Sản phẩm cây công nghiệp cần đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặc trưng của từng loại sản phẩm ở nước tiên tiến. Sản phẩm của nông nghiệp sinh thái cần sự an toàn, không mang theo dư lượng các chất độc hại bảo vệ thực vật, phân hóa học, vi sinh vật gây bệnh cho người, kim loại nặng, NO3, các chất gây độc... vượt quá các ngưỡng cho phép. Đây là những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng, dược liệu và xu hướng nhu cầu nông sản của tương lai.

Nông nghiệp sinh thái còn bảo đảm tính bền vững của các nguồn tài nguyên. Hạn chế tình trạng rửa trôi, xói mòn, bạc màu hóa, gley hóa, mặn hóa, phèn hóa, hoang hóa đất; các nguồn nước ngày càng dồi dào, trong sạch; đủ nước cho sản xuất nông nghiệp ngay cả trong mùa khô cạn; hạn chế úng ngập, hạn hán; tài nguyên sinh vật ngày càng phong phú về loài, về số lượng cá thể. 

Ảnh: Internet

Giải pháp chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Ngày 31/12/2024, chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh tăng tốc, bứt phá hơn.

Trong đó, thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỉ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%. Điều này cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.

Về công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân, người tiêu dùng ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đất đai phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội