A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng chi ngân sách quốc phòng toàn cầu, cao kỷ lục

QPTĐ-Tuần qua, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPPI, ngày 28/4) công bố chi tiêu quân sự, quốc phòng toàn cầu năm 2024 với con số khủng, “mức tăng trưởng hằng năm cao kỷ lục, chưa từng có tiền lệ kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Tính theo giá trị thực, chi tiêu quân sự thế giới năm qua là 2.700 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm 2023-năm cao nhất, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp tăng chi tiêu quốc phòng. Trước đó, năm 2022 chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 3,5% và năm 2023 tăng 6,5% so với năm trước.

Nga tăng mạnh chi ngân sách quân sự lên 149 tỉ USD, tăng 38%. (Ảnh: Internet)


Nguyên nhân được cho là do xảy ra các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng leo thang, thúc đẩy nhu cầu chi tiêu, đặc biệt tại châu Âu và Trung Đông. Nhiều quốc gia châu Âu đã chứng kiến, chấp nhận mức tăng chi tiêu quốc phòng bất ngờ, cao kỷ lục. Trong số hơn 100 quốc gia, bao gồm toàn bộ 15 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, năm 2024, đều đã tăng ngân sách quốc phòng. 

Tính theo khối, khu vực thì châu Âu, bao gồm cả Nga, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng của năm với tổng chi tiêu là 693 tỉ USD, tăng 17% (so với năm 2023). Một phần sự gia tăng này đến từ viện trợ cho Ukraine nhưng cũng phản ánh lo ngại của các quốc gia ở Lục địa già trước tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ sẽ giảm cam kết với NATO trong tương lai, bởi “không thể cứ mãi mang tiền thuế của người dân Mỹ để bảo vệ an ninh cho quốc gia khác”. “Đã có sự chuyển biến trong chính sách quốc phòng châu Âu với các kế hoạch mua sắm vũ khí quy mô lớn sẽ diễn ra trong những năm tới”-Chuyên gia SIPPI nhận xét.

Năm qua, tất cả 32 nước thành viên khối quân sự NATO đều gia tăng chi ngân sách quân sự khiến tổng số đạt 1.500 tỉ USD, trong đó có 18/32 quốc gia đạt mục tiêu 2% GDP/năm. Đây là chỉ tiêu pháp lệnh và cũng là mức chi cao nhất kể từ khi liên minh này được thành lập năm 1949. Khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ-Latinh, các nước đều chú trọng củng cố hệ thống an ninh quốc gia, tăng chi tiêu ngân sách quân sự. 

Xét về tốc độ tăng trưởng thì khu vực Trung Đông chiếm tỉ lệ cao, đạt 243 tỉ USD, tăng 15% (sau châu Âu). Từ thập niên chống Tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở Iraq, Syria, “lò thuốc súng” Trung Đông vẫn nóng rực, khiến hàng chục quốc gia phải tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến tranh, kể cả các quốc gia vùng Vịnh giàu có như Arab Saudi, UAE, Jordan, Qatar. Chiến sự xảy ra trên Dải Gaza, biển Đỏ đã tiêu tốn khá nhiều tiền bạc của các nước khu vực này.

Mỹ vẫn là quốc gia số 1 về chi ngân sách quốc phòng với 997 tỉ USD, tăng 5,7%; chiếm 37% tổng chi tiêu toàn cầu và 66% tổng chi tiêu của khối NATO. Trung Quốc đứng vị trí số 2 thế giới ở mức 314 tỉ USD, tăng 7%; là năm thứ 30 quốc gia này liên tiếp tăng chi tiêu quân sự, quốc phòng. Xung đột quân sự khiến Nga tăng mạnh chi ngân sách quân sự lên 149 tỉ USD, tăng 38%, gấp 2 lần so với năm 2015. 
Tiếp đến Đức cán mốc 88,5 tỉ USD, tăng 28%, vượt qua cả Ấn Độ, để trở thành nước có ngân sách quân sự lớn thứ 4 thế giới. “Đức đã trở thành quốc gia chi tiêu lớn nhất tại Trung và Tây Âu, lần đầu tiên kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tiến tới thống nhất giữa hai miền Đông-Tây”-Chuyên gia Xiao Liang nhận xét. Chính phủ Đức quyết định chi thêm 100 tỉ euro cho chương trình hiện đại hóa quân đội (giai đoạn 2022-2026) sau khi xảy ra xung đột vũ trang Nga-Ukraine (2/2022). 

Ukraine tăng chi quân sự lên 2,9%, ở mức kỷ lục 64,7 tỉ USD, chiếm 34% GDP/năm-cán mốc tỷ trọng cao nhất thế giới, đổ vào cuộc chiến với Nga. Chưa kể, Kiev được nhận các khoản viện trợ từ Mỹ, EU, phương Tây hằng trăm tỉ USD/năm, kể từ năm 2022, cũng là một nguy cơ dài hạn với quốc gia này khi đến thời hạn đáo nợ.

Nhật Bản là nước châu Á có số chi ngân sách quân sự khá cao với 48 tỉ USD (năm 2024) và 56 tỉ USD (năm 2025), tăng 10%; là năm thứ 9 liên tục tăng cao. Tokyo lập kế hoạch đầy tham vọng, đến năm 2030, phát triển hệ thống tên lửa tầm xa Type-12 tầm bắn 1.000 km tích hợp mạng lưới vệ tinh, hệ thống tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường, đóng tàu khu trục, tàu sân bay hạng nhẹ, phát triển tiêm kích thế hệ 6.

Ở khu vực Trung Đông, Israel tăng mạnh đầu tư quốc phòng lên 46,5 tỉ USD, tăng 65% do bùng nổ chiến dịch quân sự trên Dải Gaza, xung đột khu vực với lực lượng Hamas (Palestine), Houthi (Yemen), Libang. “Đây là mức tăng chi tiêu hằng năm cao nhất kể từ sau “Cuộc chiến tranh 6 ngày” năm 1967 của Tel Aviv”, bất kể việc đồng minh Mỹ đã hậu thuẫn kịp thời, tích cực, hiệu quả với nhiều loại vũ khí, thiết bị chiến tranh tối tân, hiện đại cho Israel-Thông báo của SIPPI cho biết.

Năm qua, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 toàn cầu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu vũ khí, phương tiện chiến tranh. Năm 2024, doanh số xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt kỷ lục 318,7 tỉ USD, tăng 29%, chiếm gần 40% doanh số toàn cầu (Con số này, năm 2023 là 157,5 tỉ USD và 117,9 tỉ USD, năm 2022). Bình quân 10 năm gần đây, xuất khẩu vũ khí Mỹ chiếm 33-35% tỉ trọng thế giới. Dường như chiến tranh, xung đột, bạo loạn lại là cơ hội cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng có được những hợp đồng vũ khí lớn? 

Trung Quốc là cường quốc kinh tế, quân sự trong Top đầu thế giới với các chương trình lớn dài hơi, nhằm hiện đại hóa quân đội, phát triển năng lực tác chiến, mở rộng kho vũ khí hạt nhân (sở hữu 1.000 đầu đạn vào năm 2030), chiếm một nửa số chi tiêu quân sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh có lợi thế về vũ khí giá rẻ, xuất khẩu đến 40 quốc gia khắp châu Á, châu Phi. Mặc dù doanh thu sản xuất, xuất khẩu vũ khí đứng thứ 4 thế giới nhưng Trung Quốc chỉ khiêm tốn ở tỉ trọng 5,3-5,8%/năm. Bắc Kinh chú trọng chiếm lĩnh nguồn cung vũ khí nội địa.

Quốc gia mới nổi trên thị trường vũ khí phải kể đến là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ một quốc gia nhập khẩu lớn nhất vũ khí từ Liên Xô (Nga), Mỹ; Ấn Độ tiếp nhận hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất, đã có sản lượng vũ khí, thiết bị quân sự trị giá 14,8 tỉ USD (giai đoạn 2023-2024), tăng 62% so với năm 2020. New Delhi đặt mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD vũ khí giá rẻ vào năm 2029, với các loại pháo hạng nặng, đạn pháo, tên lửa siêu thanh, đạt tiêu chuẩn châu Âu, phương Tây. 

Hàn Quốc thành công trong chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng với tiêu chí “chất lượng, rẻ hơn, tốt hơn, nhanh hơn” so với vũ khí cùng đơn vị, chủng loại. Trong năm qua, xứ Hàn xuất xưởng và ký hợp đồng hàng chục tỉ USD hàng bao gồm tên lửa đất đối không, xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành, hỏa tiễn, máy bay tiêm kích FA-50S với Ba Lan, UAE, Romania, Indonesia, Ai Cập. Nhật Bản cũng không chịu đứng nhìn, họ đã có 5 công ty doanh thu 10 tỉ USD/năm, nằm trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. 

Thế giới bất ổn về chính trị là mảnh đất màu mỡ, cơ hội làm giàu cho các nhà tư bản sản xuất, kinh doanh vũ khí, phương tiện chiến tranh! 

 MINH NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ