Song Tử Tây-đảo đầu tiên được giải phóng ở quần đảo Trường Sa
QPTĐ-Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, sáng ngày 14/4/1975, quân đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), đây là chiến thắng đầu tiên ở quần đảo Trường Sa. Đã 46 năm trôi qua kể từ những ngày tháng tư lịch sử, Song Tử Tây vẫn luôn hiên ngang, kiên cường trước sóng gió, như minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Bộ đội Hải quân Việt Nam giải phóng đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Tư liệu)
Trước yêu cầu của cách mạng, Trường Sa là địa danh nằm trong cục diện giải phóng đất nước “thu giang sơn về một mối”. Cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định “đồng thời giải phóng Trường Sa”. Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân trinh sát, nắm chắc tình hình và hành quân chiến đấu theo bức điện tuyệt mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân.
Chuyện giải phóng quần đảo Trường Sa lúc bấy giờ được coi là “cánh quân thứ sáu” nhưng giải phóng đảo Song Tử Tây được coi là “thế đội chủ lực” của “cánh quân thứ sáu”. Nói cách khác, Song Tử Tây là đảo giải phóng đầu tiên trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975. Nó được coi là sào huyệt, là cửa mở tiêu diệt địch. Nếu không giải phóng Song Tử Tây trước, thì ngày ấy khó có thể giải phóng các đảo còn lại.
Nằm cách Đà Nẵng 480 hải lý, đảo được coi là tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ của quần đảo Trường Sa, trước đây, các thủy thủ Đoàn 125 thường xuyên qua lại khu vực này trên các tàu không số nên dễ dàng nhận biết vị trí đảo. Khó khăn lớn nhất, để bảo đảm yếu tố bí mật, các chiến sĩ đặc công phải nấp trong khoang tàu, một số thủy thủ đoàn mặc trang phục của ngư dân để tránh quân địch phát hiện. Xác định rõ nhiệm vụ, đêm 10/4/1975, từ bến cảng Sơn Trà (Đà Nẵng), Đoàn tàu không số của Lữ đoàn 125 được ngụy trang thành “đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc 673, 674, 675 nhổ neo ra khơi trong bạt ngàn giông tố. Trong “bụng” những con tàu đó là 300 cán bộ, chiến sĩ Đội 1 Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng chục tấn đạn dược thần tốc ra đảo.
Sau 3 ngày hành quân liên tục trên biển, nhiều người bị say sóng, thấm mệt nhưng vừa nhìn thấy đảo, cán bộ, chiến sĩ đều hăng hái, sẵn sàng chiến đấu. 4 giờ 30 phút ngày 13/4/1975, tàu ta cách đảo 5 hải lý, chỉ huy lệnh cho tàu thả trôi giúp hồi sức cho bộ đội, vừa bàn kế hoạch tấn công đảo. Nhận nhiệm vụ, Binh nhất Lại Minh Khiết chỉ huy một phân đội quân báo của Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân cùng đồng đội bí mật vào tận doanh trại của địch trinh sát nắm tình hình.
Từ thông tin trinh sát báo về, quân ta chia làm 3 mũi, bí mật đổ bộ lên đảo bằng 7 xuồng cao su, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Đội 1 Nguyễn Ngọc Quế và Chính trị viên phó Vũ Ngọc Hồi. 3 giờ sáng ngày 14/4/1975, lực lượng đặc công hải quân tiếp cận bờ đảo Song Tử Tây, sẵn sàng chờ giờ G để hành động. Đúng 4 giờ 23 phút, tiếng súng DKZ của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế vang lên, nhắm thẳng vào lô cốt địch. Lệnh hiệp đồng chiến đấu được phát ra, những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của các chiến sĩ đặc công tập trung bịt họng các ổ đề kháng của địch và nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, làm chủ điện đài. Thừa thắng, các chiến sĩ tiếp cận các vị trí thuận lợi, dồn địch vào cuối đường giao thông hào, những tiếng loa gọi hàng vang lên. Lá cờ của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Chỉ sau ít phút, tất cả lính Ngụy trên đảo đều tự nguyện ra hàng vô điều kiện. Lúc đó là 5 giờ 15 phút ngày 14/4/1975. Ánh nắng bình minh đầu tiên đã soi rọi một hòn đảo tự do.
46 năm sau ngày giải phóng, mảnh đất này đang thay da đổi thịt từng ngày. Vượt qua biết bao sóng gió, đảo Song Tử Tây đã trở thành nơi trú chân của ngư dân đánh bắt xa bờ. Những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đang dần mọc lên như minh chứng cho sự sinh sôi nảy nở, sự phồn thịnh của vùng đất này. Hình ảnh những người lính ngày ngày tuần tra, canh gác bờ biển từ bao giờ đã trở thành điểm tựa, mỗi người dân, thêm vững tin vào tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền trường tồn của Tổ quốc.
Hải Yến (t/h)