A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội-Ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945

 

QPTĐ-Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước. Trong cuộc cách mạng “long trời, lở đất” năm ấy, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước, đồng thời để lại cho cách mạng nhiều bài học kinh nghiệm rất quý báu.

Cuộc mít-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. (Ảnh: Tư liệu)

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, ngày 19/8/1945 có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam, dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt quốc dân đồng bào, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Việt Nam và Chính phủ (thân Nhật) Trần Trọng Kim. Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh niên, sinh viên, trí thức... Bởi vậy, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ xác định đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng; đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi hành động của các phe phái, nhất là quân Nhật để lãnh đạo, chỉ đạo Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, tạo cơ sở, tiền đề cho các địa phương khởi nghĩa. Theo đó, Trung ương đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm, giỏi nắm bắt thực tiễn, chỉ đạo cách mạng để tăng cường cho Hà Nội. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ, Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ mọi việc; trong đó, chú trọng phát triển lực lượng chính trị, vũ trang và bán vũ trang để khi có điều kiện chớp thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tối ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, chỉ trong vòng hai tuần (từ 14/8 đến 28/8/1945), với tinh thần cách mạng tiến công, cùng với sức mạnh đoàn kết chiến đấu của cả dân tộc, cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra và giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội được diễn ra nhanh, gọn, ít đổ máu. Những ngày cuối tháng 8/1945, nhân dân Hà Nội nhiệt liệt chào đón Giải phóng quân cùng các cơ quan đầu não Trung ương Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời từ căn cứ Việt Bắc về, mở ra một cột mốc lịch sử mới của thời đại.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào tham dự mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đây, Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới, trở thành thành trì đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do và chính quyền non trẻ vừa giành được.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao. Bởi, suốt hơn nửa thế kỷ, đây là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta. Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật ở hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng. Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội như một tiếng bom vang dội nhanh chóng lan truyền khắp nơi, động viên, cổ vũ nhân dân cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền. 

Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.

Hải Yến
(Theo Baotanglichsuvn)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ