A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng chí Tô Hiệu - Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung

 

QPTĐ-Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển cơ sở và phong trào cách mạng, đóng góp quan trọng tạo nên những trang vàng lịch sử cách mạng Việt Nam. 

Học sinh tham quan khu Di tích Nhà tù Sơn La.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học, ngay từ năm 1926, khi 14 tuổi, là học sinh trường tỉnh Hải Dương, Tô Hiệu đã hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, tham gia bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu đến các phong trào yêu nước của các chí sỹ Hà Nội... Khi được kết nạp vào Học sinh đoàn-một tổ chức của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, Tô Hiệu tham gia tuyên truyền, vận động kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, dự mít tinh, biểu tình, tổ chức phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào những ngày lễ hội hay ngày kỷ niệm. Với sự hoạt động tích cực, Tô Hiệu đã được tổ chức đưa vào tổ thanh niên xích vệ, có nhiệm vụ bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ các đồng chí cán bộ diễn thuyết.

Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt. Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, đã theo người anh ruột Tô Chấn, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy, vào Nam hoạt động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Tô Hiệu lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị chúng kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi Côn Đảo.

Chính từ đây, Tô Hiệu được sống cùng các  người tù cộng sản, được giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin và đi theo ngọn cờ của Đảng. Thông qua hoạt động thực tiễn và sự giúp đỡ của các nhà cách mạng (như Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng…), Tô Hiệu đã chuyển biến nhận thức sâu sắc, từ người đảng viên của Việt Nam quốc dân Đảng trở thành người cộng sản kiên trung, chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi.

Năm 1934, mãn hạn tù trở về, Tô Hiệu tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng, không ngừng tổ chức các hoạt động nâng cao dân trí, dân sinh, lập ra “Hội Nông dân tương tế”, vận động thành lập thư viện và bí mật tuyên truyền đọc sách báo của Đảng. Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu trực tiếp vận động bà con và người làm ăn xa góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lúc ấy. 

Cũng trong thời gian này, Tô Hiệu đã bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng và phát triển Đảng. Năm 1936, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch, Tô Hiệu đã cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Tháng 2/1939, được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước. 

Ngày 1/12/1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng), đồng chí bị địch bắt khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới. Chuyển hết đề lao Hải Phòng đến nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội), bằng mọi thủ đoạn, tra tấn dã man, mua chuộc, dụ dỗ, nhưng kẻ thù đã không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Tô Hiệu. Cuối tháng 12/1939, thực dân Pháp đã kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi Nhà tù ở Sơn La. 5 năm tù đày kìm kẹp, bị tra tấn dã man tại nhà tù thực dân địa ngục, nhà cách mạng Tô Hiệu không những không nhụt chí chiến đấu mà còn tích cực vận động phong trào “Lập ra chi bộ”. Kết quả là Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Tháng 5/1941, Tô Hiệu và Chi bộ Nhà tù Sơn La đã quyết định cho ra đời báo Suối Reo, cử đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. 

Bằng trí tuệ, sự quả cảm và kiên trì của mình, nhà cách mạng Tô Hiệu đã biến nhà tù địa ngục của thực dân thành trường học cộng sản vĩ đại, đào tạo những chiến sỹ cộng sản kiên cường, cán bộ cốt cán cho Đảng. Nhà cách mạng Tô Hiệu trở thành “trụ cột tinh thần” và là “linh hồn” của nhà tù, của chi bộ. Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Trung ương Đảng công nhận là một chi bộ đặc biệt, được nhận chỉ thị, nghị quyết; có trách nhiệm lãnh đạo người tù bảo vệ cuộc sống, phát triển ảnh hưởng của cách mạng trong đồng bào địa phương… 

Đồng chí Tô Hiệu, người lãnh đạo quả cảm và tích cực tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục, đã từng bước gieo ươm hạt giống đỏ truyền thống cách mạng từ những phong trào ban đầu và từ trong bóng tối của các nhà tù thực dân, lan tỏa và phát triển phong trào cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945.

P.Linh (t/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ