A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Điện Biên Phủ-Mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc

 

 

QPTĐ-Cách đây tròn 67 năm, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn, thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào Chiến dịch.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Với ý chí "Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Để cứu vãn tình thế thất bại, tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương. Tháng 7/1953 “Kế hoạch Na-va” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng. Theo kế hoạch này trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp giữ thế phòng ngự, tránh những cuộc đụng độ trên diện rộng với ta ở miền Bắc, tập trung đánh chiếm miền Trung và Nam Đông Dương. Sang Đông Xuân 1954-1955, sẽ đem toàn lực ra quyết chiến với chủ lực ta ở miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.

Nhận rõ thủ đoạn đó của quân xâm lược, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn kế hoạch chiến lược Đông-Xuân (1953-1954), phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa ta và địch, đề ra phương châm chiến đấu: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Thực hiện kế hoạch đó, cả nước ra trận, các chiến trường đồng loạt tiến công, giáng cho địch nhiều thất bại nặng nề, buộc chúng phải co cụm trên khắp các chiến trường Bắc bộ, Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ, Thượng và Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia; lực lượng cơ động mà Na-va tập trung xây dựng đã bị xé nhỏ thành nhiều mảnh. 

Thất bại và bị động, quân viễn chinh Pháp gấp rút điều động các đơn vị cơ động nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ-vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương; xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất với ý đồ thách thức quân, dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến của Kế hoạch Na-va.

Nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị đồng ý mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với phương châm: “Đánh nhanh thắng nhanh”. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Bác Hồ giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Mặt trận, trước khi ra trận Bác nói: “Bác giao cho chú toàn quyền, tướng quân tại ngoại, trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 25/1/1954, tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ: Phương án "đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều yếu tố chủ quan, không đánh giá đúng tình hình thực lực của hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Cuối cùng Đại tướng quyết định dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch vào đúng ngày này 67 năm trước. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng từ đây, “tiếng sấm Điện Biên Phủ” có sức cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ la-tinh; đồng thời góp phần làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin thời đại ngày nay: Một dân tộc bị áp bức, nhưng nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, biết phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có khả năng đánh bại những đội quân xâm lược hung bạo. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ý Nhi (t/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ